Đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển chung của thành phố.
Mặc dù những năm qua, chính quyền thành phố đã có nhiều cách thức, biện pháp giải quyết bài toán về áp lực giao thông như xây cầu, mở rộng đường, tăng cường giao thông cộng… nhưng số lượng xe máy và ô tô cá nhân tăng trưởng nhanh chóng; hệ thống giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều tuyến đường quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc; tình trạng vi phạm luật giao thông còn phổ biến đã góp phần gia tăng sự ùn tắc và tai nạn giao thông.
Vì thế, việc giảm tải áp lực giao thông là rất cấp thiết, đòi hỏi chính quyền và người dân có biện pháp hữu hiệu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn bảo đảm lâu dài trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đó, TP HCM cần nghiên cứu, rà soát lại hệ thống giao thông của thành phố, từ đó xác định, tìm ra những biện pháp hiệu quả, phù hợp với từng khu vực, địa bàn. Tăng cường đầu tư ngân sách về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng thêm những cầu vượt nối liền các quận, huyện trung tâm thành phố; phân luồng cụ thể cho các phương tiện tham gia giao thông. Xây dựng thêm những đường nhánh, mở rộng các tuyến đường hiện hữu; xây dựng các bãi đỗ xe thông minh…
Lắp đặt hệ thống cảnh báo, phạt nguội đối với các phương tiện giao thông (như container, rơ-moóc, xe tải lớn…) không được phép đi vào thành phố vào khung giờ quy định. Tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình vi phạm luật an toàn giao thông, chấp hành không nghiêm tín hiệu đèn, đi sai làn đường, không chấp hành mệnh lệnh của CSGT.
Tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến người dân thông qua các nhóm, tổ thông tin và tuyên truyền vào những khung giờ hợp lý; rà soát những khu vực, địa điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông để cảnh báo, tăng cường nhân lực điều tiết, hướng dẫn, tổ chức phân luồng, nhất là vào khung giờ cao điểm; bố trí, sắp xếp lại những khu vực, vị trí có sự xung đột giao thông; quy hoạch, xây dựng lại những ngã ba, ngã tư… Đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin để điều tiết, cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người dân.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, lực lượng CSGT, Sở Giao thông Vận tải cần thường xuyên phối hợp trong từng kế hoạch, dự án, bảo đảm các công trình, dự án giảm ùn tắc giao thông phát huy được vai trò, tác dụng, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân. Cuối cùng và cũng là giải pháp bền vững nhất chính là ưu tiên phát triển giao thông công cộng, kết hợp các loại hình giao thông như xe buýt, xe buýt nhanh, metro, xe điện... để người dân có nhiều lựa chọn di chuyển hơn.
Những biện pháp trên cần được tiến hành đồng bộ và quyết liệt để đem lại môi trường giao thông an toàn, thông suốt và văn minh cho TP HCM.
Bình luận (0)