Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra hàng loạt nội dung mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, như miễn thi tốt nghiệp cho 20% tổng số thí sinh; thi 4 môn thay vì 6 môn như hiện nay. Khi nào Bộ GD-ĐT thực hiện những quy định mới này?
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi đang lấy ý kiến đóng góp, nếu nhận được sự đồng tình thì sẽ áp dụng ngay từ năm 2014. Đây chưa phải là phương án cuối cùng. Song dù là phương án nào thì cũng chỉ áp dụng từ nay đến trước khi học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi chương trình chưa thay đổi thì việc kiểm tra, đánh giá cũng chỉ đổi mới, điều chỉnh ở một mức độ nhất định.
Chúng tôi sẽ ổn định phương án thi này cho đến năm có lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp chương trình mới, tức là sẽ chỉ có thêm một lần thay đổi.
Chỉ hơn 5 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, việc thay đổi như thế liệu có đột ngột quá không?
- Không, vì mức độ yêu cầu của đề thi vẫn nằm trong nội dung kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, chỉ khác ở môn thi và số lượng môn thi. Cách ra đề vẫn như cũ. Tôi tin là việc chuẩn bị cho đổi mới thi vẫn kịp.
Có người hỏi như vậy có khiến học sinh bị động không, câu trả lời của tôi là nếu bị động mà tốt hơn thì vẫn nên làm.
Việc miễn thi cho 20% học sinh dựa trên cơ sở nào?
- Trong tập thể bao giờ cũng có một nhóm tiên tiến, “ngắt” 20% ở tốp trên là chúng tôi chọn những học sinh ưu tú. Kinh nghiệm những năm trước thì tỉ lệ khá, giỏi thường trên 20% nên bộ quyết định lấy ít đi, chỉ khoảng 20% để bảo đảm sự chặt chẽ. Các em này có thi cũng chắc chắn đỗ, việc miễn thi cho số này sẽ giảm áp lực cho học sinh, giảm 20% số phòng thi, giám thị, đề thi, bớt căng thẳng.
Nhưng các địa phương có điều kiện giáo dục khác nhau mà ta lại lấy đồng đều 20% liệu có công bằng không?
- Đúng là chất lượng, điều kiện làm giáo dục ở các nơi khác nhau nhưng lấy mức 20% có thể là sót chứ không nhầm. Tỉ lệ này có thể dao động ở các tỉnh.
Việc miễn thi tốt nghiệp, tuyển thẳng vào ĐH liệu có gây ra những tiêu cực như trước đây báo chí từng phản ánh không?
- Tăng số học sinh được miễn thi nhưng cách làm thì khác. Trước đây ai đạt chuẩn thì miễn nên có tình trạng cố gắng làm cho đạt chuẩn. Còn giờ đây 20% là những học sinh xuất sắc nhất.
Bộ GD-ĐT đưa phương án thi tốt nghiệp, một là thi 4 môn, hai là thi 5 môn để lấy ý kiến. Bộ nghiêng về phương án nào?
- Chúng tôi nghiêng về phương án 1, thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, địa và sử.
Ông có nghĩ đến việc thi 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn dẫn đến tình trạng học lệch theo hướng khối thi ở ĐH?
- Thực tế ai cũng thấy, học sinh trước nay vẫn học lệch theo khối thi. Nhưng tôi muốn nói việc “học lệch chính đáng” là một điều tốt vì phân hóa được học sinh tập trung vào đúng chuyên môn, khả năng của mình. Chương trình đổi mới sẽ hướng tới điều đó, hướng tới khuyến khích phát triển kỹ năng riêng của từng học sinh. Chúng ta khuyến khích định hướng nghề nghiệp cho các em, nên các em được phép chọn môn thi.
Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm, điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình của tất cả các môn ở lớp 12 chứ không bỏ môn nào.
Ngoại ngữ hiện nay đang được coi là một môn học quan trọng nhưng trong phương án thi của bộ thì ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc?
- Cách thi hiện nay không phải là thi ngoại ngữ (thi trong 60 phút theo phương pháp trắc nghiệm) và Bộ GD-ĐT cũng không muốn thi ngoại ngữ bắt buộc dẫn đến kết quả thi rất hình thức. Việc khuyến khích thí sinh chọn ngoại ngữ làm môn thi tốt nghiệp chính xác là coi trọng môn ngoại ngữ hơn. Theo cách thi mới, bài thi sẽ có cả phần viết luận để đánh giá đúng năng lực học sinh.
Hai phương án thi tốt nghiệp
Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc: toán và ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp, có thể là: bài thi môn ngoại ngữ đạt 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.
Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử.
Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế thi; điểm xét và công nhận tốt nghiệp được xác định như sau: Điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2 cộng tổng điểm khuyến khích nếu có. Điểm xếp loại tốt nghiệp là điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2.
Bình luận (0)