Đây là nghiên cứu trong đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ mang tên "Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa", do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, làm chủ nhiệm cùng 9 cộng sự khác.
Qua khảo sát 1.043 học sinh THCS ở TP HCM và Bình Dương trong vòng 2 năm, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc được 28- em có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm 26,8%.
Theo đó, đa số học sinh THCS có 1 biểu hiện có phần trên trung bình: Bỏ bê bản thân. Còn các biểu hiện khác thì chỉ xảy ra ở học sinh ở mức ban đầu. Thế nhưng, nhóm nghiên cứu cho rằng cũng chính tín hiệu này cho thấy cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh để có những hoạt động hỗ trợ tinh thần mà trong đó tư vấn học đường để phát hiện và phòng ngừa là cần thiết.
Cũng theo nghiên cứu, có 208 (74,3%) học sinh - hơn 3/4 mẫu có xu hướng tiết lộ hành vi tự hủy hoại bản thân mình với bạn bè, và 176 (62,9%) học sinh – hơn 1/2 mẫu có xu hướng che giấu hành vi tự huỷ hoại bản thân của mình với cha mẹ, 11,1% che giấu với thầy cô.
Địa điểm thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân ở học sinh đa số là ở nhà (76,4%).
Thực tế cho thấy biểu hiện hành vi tự hủy hoại bản thân trên thân thể của học sinh rơi vào mức độ ít nhưng vẫn tồn tại những hành vi đáng lưu ý như: "tự đánh, tự đấm mình", "bức tóc", "tự cắn", "đập đầu vào một vật gì đó như tưởng, bàn ghế…", "lên kế hoạch tự tử". So sánh dữ liệu này với kết quả nghiên cứu của một vài quốc gia như: Mỹ, Anh trong nghiên cứu cùng loại cho thấy không có sự khác biệt trong đó mức độ nặng ở Việt Nam dường như ít hơn.
Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, học sinh biểu hiện hành vi ở mức độ ít, trong đó, đặc biệt nổi trội là những nội dung: "thức khuya", "biết rằng nên làm thứ gì đó nhưng bạn lại liên tục trì hoãn", "ăn quá nhiều để an ủi chính mình", "chán ăn hoặc bỏ bữa cơm"…
Theo kết quả nghiên cứu, có tới 41,4 % học sinh cho rằng họ biết rõ lý do nhưng thấy cuộc sống dễ chịu hơn nên đã thực hiện, 40% cho biết tự hủy hoại để quên đi những ký ức đau buồn, 23% nhằm tạo sự chú ý của người khác, để họ ngưỡng mộ và yêu thương hơn.
Đáng chú ý, khảo sát cho thấy 47,5% gia đình khi phát hiện học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân la mắng con, 27,5% nhắc nhở. Số người khuyên nhủ, quan tâm, tìm chuyên gia can thiệp rất ít (dưới 20%), thậm chí có người còn bỏ mặc con.
Qua đây, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các biện pháp để phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS, gồm: Nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS, giáo viên, chuyên viên tham vấn học đường; Tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS; Xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh THCS có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích của hành vi tự hủy hoại bản thân để phòng ngừa hành vi này.
Từ đó, nhóm cũng đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, nhà trường, bản thân học sinh, phụ huynh và các chuyên viên tâm lý học đường.
Bình luận (0)