TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ GD-ĐT cho biết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 có những điểm đáng chú ý.
Về tổng thể, quy trình tuyển sinh cơ bản ổn định như năm 2021 và các năm trước: các trường tổ chức thi tuyển riêng hoặc nhóm trường tổ chức thi tuyển, các trường xét tuyển căn cứ trên kết quả học tập, xét tuyển học bạ, hoặc kết hợp các phương thức trên; các trường được giao quyền tự chủ, Bộ GD-ĐT không can thiệp; các trường được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh; thí sinh đăng ký nguyện vọng không hạn chế.
Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra 6 điểm thay đổi cơ bản như sau:
Thứ nhất, thí sinh đăng ký xét tuyển hoàn toàn trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký qua hệ thống dịch vụ công quốc gia.
Năm 2021, thí sinh đăng ký trực tuyến hoặc bằng phiếu. Điều này thiếu chính xác do có tình trạng một thầy/cô phải đăng ký cho nhiều học sinh trong thời gian ngắn nên dễ xảy ra sai sót.
Thời gian đăng ký xét tuyển đại học tách rời với thời gian đăng ký tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Cổng đăng ký xét tuyển được xuyên suốt từ lúc kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT cho đến khi có kết quả, kể cả thời gian chấm phúc khảo (trong vòng 35 ngày). Các nguyện vọng được sắp xếp từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất. Bộ GD-ĐT thực hiện video clip hướng dẫn chi tiết để thí sinh dễ dàng thực hiện thao tác.
Thứ hai, sắp xếp các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký sao cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất. Thay đổi này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và giảm tình trạng đăng ký nguyện vọng ảo cho các trường.
Thứ ba, thí sinh có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức: điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG, điểm dự thi hoặc xét tuyển học bạ. Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển hoặc nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình sự phù hợp của lựa chọn này nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Thứ tư, kết quả học tập THPT (lớp 10, 11, 12) của thí sinh được cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành. Các trường có thể truy cập vào học bạ điện tử để xem xét trong quá trình xét tuyển hoặc thi tuyển.
Thứ năm, các trường phân tích rủi ro và xây dựng giải pháp phòng tránh, lên phương án phối hợp giải quyết rủi ro giữa các trường trong quá trình tuyển sinh.
Thứ sáu, đối tượng ưu tiên theo khu vực chỉ được xét cho thí sinh tốt nghiệp trong năm 2022, thí sinh các năm trước không được cộng điểm ưu tiên khu vực.
Theo TS Phạm Như Nghệ, những thay đổi này nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, chính xác cho thí sinh và cho quá trình xét tuyển.
TS Phạm Như Nghệ thông tin về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2022 tại Đồng Nai do Báo Người Lao Động tổ chức - Ảnh: Tấn Thạnh
Bình luận (0)