Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định chưa có văn bản cho phép Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 nhưng cũng chính bộ này nhiều năm liên tục xác định chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho trường.
Xác nhận chỉ tiêu trong 3 năm
Cụ thể, trong 3 năm liên tiếp, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) đều xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường ĐH Đông Đô.
Thông báo số 173 ngày 1-4-2015 của Vụ Kế hoạch Tài chính do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký gửi Trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường là 500. Tương tự, theo Thông báo số 68 ngày 24-2-2016, vụ này tiếp tục xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của trường là 150 ở khối ngành III, V và VII, cũng do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký. Đến năm 2017, bằng Thông báo số 136 ngày 7-3-2017 do Vụ trưởng Trần Tú Khánh ký, vụ này xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường là 150 ở khối ngành III, V và VII.
Nơi nhận của các thông báo này là Trường ĐH Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục ĐH, Thanh tra bộ. Tuy nhiên, trong thông cáo trả lời báo chí ngày 17-8, Bộ GD-ĐT khẳng định "chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường này. Do vậy, bộ chưa có văn bản cho phép trường đào tạo văn bằng 2".
Thông cáo cũng nêu rõ từ năm 2016- 2018, trường có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016-2018 gửi về Vụ Giáo dục ĐH của trường thì không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.
Tiêu cực động trời vừa bị phanh phui tại Trường ĐH Đông Đô
Sơ hở hay là có lợi ích riêng?
Vậy thì tại sao Vụ Giáo dục ĐH không cấp phép mở ngành mà Vụ Kế hoạch Tài chính lại giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Trường ĐH Đông Đô?
Trả lời Báo Người Lao Động chiều 25-8, một cựu quan chức của Bộ GD-ĐT lý giải theo quy định hiện hành, việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT, ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất 2 khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT (qua Vụ Giáo dục ĐH và Vụ Kế hoạch Tài chính) về việc cho phép đào tạo văn bằng 2. Trên cơ sở đề nghị này, chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng ĐH thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Đến năm 2018, khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thì không còn việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu mà trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực của mình.
"Trường ĐH Đông Đô đã không thông qua Vụ Giáo dục ĐH để trình việc xin phép đào tạo mà lại trực tiếp trình Vụ Kế hoạch Tài chính để xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Vụ Kế hoạch Tài chính lại không kiểm tra xem trường đã được cho phép đào tạo văn bằng 2 hay chưa. Còn Vụ Giáo dục ĐH lại không kiểm tra kỹ văn bản của Vụ Kế hoạch Tài chính để phản hồi nên mới xảy ra vụ việc khôi hài này" - một cựu quan chức của Bộ GD-ĐT phân tích.
Để xảy ra tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khiến cho Trường ĐH Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2, có 2 cách giải thích: Một là sự phối hợp giữa 3 bên gồm Trường ĐH Đông Đô, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Giáo dục ĐH không chặt chẽ, quan liêu. Hai là có việc lợi dụng kẽ hở trong quy trình để "bán chỉ tiêu".
Cần làm rõ nghi vấn "bán chỉ tiêu"
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng trong cùng một bộ thì phải chịu sự chỉ huy thống nhất của bộ trưởng, các đơn vị phải phối hợp với nhau.
"Phải có lỗ hổng thì Trường ĐH Đông Đô mới dám ngang nhiên đào tạo "chui", "thu tiền - bán bằng" như thế. Mỗi đơn vị một chức năng nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ chứ không thể mỗi anh một kiểu tạo ra sơ hở như vậy. Các đơn vị làm thiếu trách nhiệm như thế, dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề có lợi ích cá nhân, tiền nong gì ở đây không?" - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Ông cũng cho rằng cần kiểm tra xem Vụ Kế hoạch Tài chính chỉ ra thông báo xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 khi trường chưa được phép đào tạo cho Trường ĐH Đông Đô hay còn nhiều trường khác nữa.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong sự việc này. "Phải xử lý khách quan, công bằng, ai sai thì người đó chịu trách nhiệm. Các cơ quan của bộ không có sự phối hợp thống nhất cũng phải "trị". Trường sai thì cần xử lý nghiêm. Người học không vì kiến thức mà vì động cơ thăng quan tiến chức cũng xử lý để răn đe" - PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Một cựu quan chức khác của Bộ GD-ĐT cũng cho rằng người đứng đầu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm vì đã để cho tình trạng phối hợp không chặt chẽ giữa các đơn vị trong bộ mình. "Tôi đề nghị cần vào cuộc làm rõ có tình trạng mua bán chỉ tiêu thì phải xử lý, kể cả đối với những người đã về hưu" - vị này nêu ý kiến.
Rà soát các bằng đã cấp
Trong danh sách 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển tại Học viện Khoa học Xã hội công bố vào cuối tháng 4-2019, có nhiều nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hệ ĐH chính quy của Trường ĐH Đông Đô để đủ điều kiện dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ.
Ông Vũ Mạnh Dũng, Chánh Văn phòng Học viện Khoa học Xã hội, cho biết học viện đang rà soát các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ. Bước đầu cho thấy có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hệ ĐH chính quy của Trường ĐH Đông Đô.
Theo ông Dũng, học viện đang chờ ý kiến chính thức từ Bộ GD-ĐT. Khi nào Bộ GD-ĐT công bố các văn bằng này không có giá trị thì học viện mới căn cứ để hủy kết quả đầu vào của nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Bình luận (0)