Nguyên nhân khiến Việt Nam ít bài báo khoa học quốc tế chính là việc không định hướng yêu cầu đối với trách nhiệm của nhà khoa học là phải có các kết quả nghiên cứu cụ thể” - PGS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, nhận định. Hiện GS, PGS, TS nước ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng số lượng các bài báo công bố quốc tế chỉ bằng 1 trường ĐH của Thái Lan.
Sản phẩm kiểu “ngăn kéo”
Theo GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, qua phân tích các công bố quốc tế của Việt Nam và 11 nước Đông Á cho thấy chất lượng các bài báo (dựa trên chỉ số trích dẫn trung bình) của Việt Nam còn thấp, nhiều ngành trực tiếp liên quan đến quốc kế dân sinh chưa có công bố quốc tế và phần lớn đồng tác giả Việt Nam không đóng vai trò chính trong các công trình. Số công trình do nội lực chỉ chiếm 30%, vào loại thấp nhất khu vực, so với 90% ở Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.
Lý giải về việc nền khoa học Việt Nam ít có bài báo khoa học quốc tế, GS Vũ Minh Giang - chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - cho rằng trong một thời gian dài, các công trình khoa học được đầu tư xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề chứ chưa quan tâm đến sản phẩm cuối cùng. Khi nghiệm thu xong, hoàn thành nhiệm vụ mô tả, hội đồng tổng kết công trình rất tốt nhưng chẳng để làm gì. “Có những đề tài kiểu “đường đi con kiến thế nào” cũng được cho rằng có ý nghĩa rất cao” - GS Giang nêu thực trạng. Chính vì chỉ quan tâm đến ý nghĩa khoa học mà không quan tâm đến sản phẩm đầu ra nên đã tạo ra rất nhiều sản phẩm “ngăn kéo”, xếp đấy mà không biết dùng vào việc gì.
Nhiều rào cản
Theo GS Giang, điều kiện làm việc của các nhà khoa học Việt Nam chưa đủ tầm để thường xuyên có được những bài báo quốc tế. ĐH Singapore có số bài báo khoa học quốc tế rất nhiều vì điều kiện đầu tư của họ hơn gấp 200 lần so với ĐHQG Hà Nội. GS Giang cho rằng hiện cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học rắc rối, thoát ly thực tế và không phù hợp với đặc thù nghiên cứu khoa học. “Những người quản lý tài chính luôn sợ những người làm khoa học lấy mất tiền nên không quan tâm đến sản phẩm khoa học mà chỉ quan tâm việc tiền có tiêu đúng quy định mà họ đưa ra hay không. Trong khi đó, việc làm sao kiếm được đầy đủ hóa đơn tài chính với nhà khoa học còn mệt hơn việc hoàn thành nhiệm vụ khoa học của họ” - GS Giang nói.
TS Trần Văn Đô - cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu lâm nghiệp và lâm sản Nhật Bản - cho rằng hạn chế lớn của khoa học Việt Nam là cơ chế xin- cho. Muốn làm gì cũng phải có đề cương, qua nhiều cửa khác nhau mới có kinh phí, mà khoản dành cho công trình nghiên cứu rất nhỏ. Như vậy, rất khó để có công trình chất lượng đăng báo quốc tế.
Theo một nghiên cứu năm 2011, Việt Nam xếp thứ 67/238 nước và vùng lãnh thổ về số sách, báo xuất bản trong năm. Tuy nhiên, các bài báo xuất bản trên các tạp chí nước ngoài chủ yếu là do những người mang quốc tịch Việt Nam đang làm việc ở các nước khác viết. Trong khi đó, lúc họ về Việt Nam công tác thì lại không có bài báo nào đăng trên tạp chí quốc tế nữa. “Môi trường nghiên cứu ở Việt Nam khác xa các nước phát triển nên người làm việc không đạt kết quả tốt để đăng báo nước ngoài. Thêm vào đó, kinh phí của chúng ta hạn hẹp, ít tập trung vào nghiên cứu cơ bản - lĩnh vực mà hầu hết các tạp chí uy tín trên thế giới chấp nhận bài để đăng” - TS Đô cho biết.
PGS-TS Huỳnh Quyền, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu - Trường ĐH Bách khoa TP HCM: Chưa đủ tầm Đa số các nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH tại Việt Nam chưa tiếp cận được với các đề tài, số liệu nghiên cứu có tính chất quốc tế nên rất khó có các bài báo quốc tế. Hầu hết các nghiên cứu khoa học mang tính chất đối phó. Các bài báo được công bố quốc tế đòi hỏi các nghiên cứu phải rất chuyên sâu, mới mẻ nhưng các nhà nghiên cứu của chúng ta chưa đủ tầm thực hiện. Ngoài ra, cán bộ nghiên cứu của chúng ta ít có điều kiện tiếp cận với các hội thảo, số liệu nghiên cứu khoa học của quốc tế để có thể triển khai các đề tài phù hợp và tầm cỡ. Do đó, chất lượng các nghiên cứu của chúng ta hiện nay chưa theo kịp hoạt động nghiên cứu khoa học quốc tế. Bà Trương Thùy Trang,
nguyên Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM: Thiếu hiệu quả So với mặt bằng chung ở khu vực ASEAN hiện nay thì Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia đạt mức thấp hơn mức trung bình trong việc công bố các bài báo quốc tế. Dù khung pháp luật của chúng ta đã hoàn chỉnh, thậm chí thuận lợi hơn nhiều quốc gia khác nhưng khi triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học thì không hiệu quả. Đây chính là điểm khúc mắc cần giải quyết nếu muốn tăng số lượng các bài báo, sáng chế được công bố quốc tế. Chánh Trung ghi |
Bình luận (0)