Từ hơn 7 giờ ngày 23-3, hơn 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mặt tại hội trường Trường ĐH Quảng Nam, TP Tam Kỳ để tham dự chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2012” do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở GD-ĐT Quảng Nam tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam.
Hơn 1.000 học sinh Quảng Nam đến tham dự chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" sáng 23-3
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho biết Quảng Nam là một trong 10 tỉnh có số lượng TS đăng ký dự thi cao nhất của cả nước.
Tại buổi tư vấn, thí sinh Trần Duy Anh (học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) đặt câu hỏi cho Trường ĐH FPT tại Đà Nẵng là hầu hết sinh viên học tại trường đều được bố trí làm việc tại tập đoàn FPT, vậy với những sinh viên khóa sau có còn chỗ để làm việc không.
Bạn Anh còn băn khoăn nếu như phải ra ngoài làm việc, sinh viên FPT có năng lực cạnh tranh được với các sinh viên khác không. Trả lời vấn đề này, Th.S Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc cơ sở ĐH FPT tại Đà Nẵng, cho biết mỗi năm có hơn 60% sinh viên tốt nghiệp làm việc tại tập đoàn. Trái với băn khoăn của thí sinh, Th.S Châu khẳng định tập đoàn FPT luôn muốn giữ chân sinh viên làm việc tại tập đoàn và nhu cầu này là rất lớn. Ngoài ra, sinh viên FPT cũng luôn là nguồn nhân lực hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thí sinh Nguyễn Thị Nhung muốn thi vào ngành công nghệ sinh học nhưng lại thắc mắc rằng sẽ làm việc gì sau khi ra trường và có đúng với chuyên ngành đó không. Với câu hỏi này, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ chung rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp được làm việc đúng chuyên ngành là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu không tìm được việc đúng chuyên ngành, sinh viên cũng đừng quá băn khoăn vì có thể tìm ở các lĩnh vực khác.
Thí sinh Quảng Nam quan tâm nhóm ngành ngân hàng, ngoại ngữ
Nhiều câu hỏi tại chương trình tư vấn tuyển sinh diễn ra ở Quảng Nam đề cập việc học tập và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Thí sinh Ngô Thị Nhật Trinh muốn học ngành ngân hàng nhưng lại e ngại rằng khó trúng tuyển do tỉ lệ chọi cao và hiện nay ngành này cần ít nhân lực nên khó có cơ hội để sinh viên tốt nghiệp tìm được việc tại ngân hàng. Thí sinh Trinh cũng đặt vấn đề là có phải sinh viên muốn sau tốt nghiệp muốn vào làm tại ngân hàng phải tốn rất nhiều tiền.
Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết riêng chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế chiếm 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. Theo thống kê hàng năm, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành kinh tế cũng chiếm trên 40% nên thí sinh không nên quan ngại về cơ hội trúng tuyển.
TS Nghĩa nhận định nguồn nhân lực về kinh tế, ngân hàng hiện nay cũng rất cần nên cơ hội việc làm cũng không quá khó khăn. Bên cạnh đó, một lời khuyên mà TS Nghĩa đưa ra là điều cuối cùng trong khi xin việc là chính sinh viên phải thể hiện được bản lĩnh để có được công việc mình mong muốn chứ không vì lý do khác.
Thí sinh Nguyễn Vũ Hiếu đặt câu hỏi cho trường ĐH Phan Châu Trinh là học khoa tiếng Trung có dễ xin việc không. Th.S Hoàng Trung Hưng, Trưởng ban Tuyển sinh ĐH Phan Châu Trinh, cho biết phần lớn sinh viên học các nhóm ngành ngoại ngữ, du lịch tại ĐH Phan Châu Trinh đều tìm được việc làm.
Th.S Hưng dẫn chứng: Trường ĐH Phan Châu Trinh đóng tại TP Hội An, một thành phố có lượng du khách lớn hơn số dân. Chính vì vậy, sinh viên học ngoại ngữ và du lịch tại Trường ĐH Phan Châu Trinh vừa có cơ hội được trau dồi kiến thức vừa có cơ hội làm việc dồi dào.
Trao 5 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo
Tại buổi tư vấn, Trường ĐH FPT cơ sở tại Đà Nẵng đã phối hợp với Báo Người Lao Động trao 5 suất học bổng Nguyễn Văn Đạo cho HS Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, mỗi suất trị giá hơn 207 triệu đồng kèm theo học phí của khóa học tiếng Anh dự bị.
Trường ĐH Duy Tân cũng trao 5 suất, tổng trị giá 3,1 triệu đồng cho HS nghèo hiếu học trường THPT bán công Phan Bội Châu. Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng trao cho 4 HS nghèo hiếu học trường THPT Cao Bá Quát, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Lê Quý Đôn, mỗi suất 500 ngàn đồng. |
Bình luận (0)