Ngày 23-11, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT tăng cường giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh (HS) đánh nhau. Sở dĩ có công văn này vì chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ HS “đánh hội đồng”, làm nhục bạn... gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Băng nhóm liên tục xử nhau
Trưa 13-8, A. (HS Trường THPT Yên Hòa - Hà Nội) bị Lê Hoàng Sơn (bạn học cùng trường) cùng nhóm thanh niên dùng dao nhọn đâm thủng bụng. Nguyên nhân sau đó được xác định do mâu thuẫn giữa bạn của A. và Sơn. Khi thấy người bạn này và A., nhóm của Sơn đã ra tay.
Trưa 25-10, vừa ra khỏi trường, Đ. (HS lớp 10A6 Trường THPT Phan Thiết - Bình Thuận) bị Nguyễn Thanh Sơn (HS lớp 10A4) và một nhóm bạn cùng khối chặn đánh, dùng dao đâm nhiều nhát vào người. Nguyên nhân là do giữa Đ. với Sơn trước đó từng xảy ra mâu thuẫn.
Những hình ảnh như thế này đang gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: TƯ LIỆU
Những ngày qua, phụ huynh Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (TPHCM) vẫn chưa hết sốc khi xem đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh đánh đập, lột áo một nữ HS khác ngay trong lớp học.
Mới đây nhất là vụ hai chị em ruột học cùng lớp ở Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TPHCM) bị Trung (sinh viên cùng lớp) kéo theo một nhóm thanh niên đánh ngay trước cổng trường vào trưa 26-11, chỉ vì trước đó hai chị em có xích mích nhỏ với bạn gái của Trung trong việc học.
Chứng tỏ bản lĩnh (?!)
Bạn đọc quan tâm, có ý kiến chia sẻ về vấn đề này, vui lòng gửi về địa chỉ khoagiao@nld.com.vn hoặc ng.laodong@nld.com.vn |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy mức độ có khác nhau nhưng hầu như ở các trường THCS, THPT hiện nay đều có các băng nhóm. Một HS Trường Dân lập Phương Nam (TPHCM) cho biết để được tham gia vào băng nhóm thì phải chứng tỏ bản lĩnh bằng việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mỗi khi “đại ca” ra lệnh đánh đứa nào cùng trường nếu thấy “ngứa” mắt.
Không chỉ vậy, khi một thành viên trong nhóm bị xúc phạm thì các thành viên khác sẽ đi xử thay. Cũng theo một HS Trường THCS Minh Đức (TPHCM), tham gia vào băng nhóm của trường thì đi đâu, làm gì cũng tự tin hơn bởi nếu xảy ra chuyện thì có “huynh đệ” trợ giúp, sẵn sàng liều mình, quên thân.
Việc kết giao “huynh đệ” còn được thực hiện thông qua mạng internet. Theo hướng dẫn của một HS, chúng tôi vào blog.yuke.vn của một băng nhóm bạn cùng lớp điều hành thì bắt gặp hàng loạt lời tuyên bố, triết lý như: “Thời buổi bây giờ giang hồ hiểm ác, mạnh thắng yếu thua, nếu sống đơn thân độc mã dễ bị ăn hiếp, bắt nạt lắm! Thế nên ông bà mình có câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Mình muốn sống bình yên nhưng giữa thời buổi hiện nay, ước mơ ấy sao mà khó quá! Nếu mình có hội có bè, đi đâu cũng binh hùng tướng mạnh thì đố có thằng nào dám rớ vào”...
Vấn đề nhức nhối
Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho rằng tình trạng HS đánh nhau mang tính bạo lực đã trở thành vấn đề nhức nhối, nhất là những vụ sử dụng hung khí hoặc đánh nhau có tổ chức, thành phần tham gia không chỉ HS nam mà cả HS nữ, sau đó ghi hình đưa lên mạng. Tỉ lệ HS, sinh viên và thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật chiếm khoảng 1/4 số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn quốc.
H.Lan |
Không chỉ lập băng nhóm để thị uy mà hiện HS của một số trường còn lập nhóm để trấn lột, tống tiền bạn học. Mới đây, Trường THCS Nguyễn Hiền (TPHCM) đã đuổi học một tuần đối với 3 HS khối lớp 9 do thường xuyên trấn lột, tống tiền một số HS lớp dưới.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là trong quá trình thực hiện bài viết này, khi được hỏi về chuyện băng nhóm xử nhau trong nhà trường, hầu hết HS đều rất thản nhiên, cho đó là chuyện quá bình thường.
Một HS lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám (TPHCM) cho biết cứ đứa nào “chảnh” là cả hội xúm nhau lại dạy cho một bài học; đứa nào nhìn ngứa mắt, không sớm thì muộn cũng sẽ ăn đòn. “Chủ yếu là đánh nhau trong nhà vệ sinh, thầy cô nào biết được”- HS này nói.
Hạnh kiểm tốt cũng tham gia
Điều khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng là hiện nay, tham gia những vụ HS kéo thành băng nhóm đánh nhau còn có cả HS có học lực khá giỏi, hạnh kiểm tốt. Đơn cử như trong vụ HS tham gia đánh hội đồng tại Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, có sự tham gia của một lớp trưởng.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Hà Nội), lý giải nguyên nhân của thực trạng này là do thầy cô chỉ quan tâm đến bề nổi. Cụ thể là HS yếu thì được theo dõi sát sao vì sợ ảnh hưởng tới thi đua của lớp.
Những HS hiền ngoan và giỏi, không vi phạm nội quy thì thầy cô yên tâm, ít chú ý. Thực ra, đằng sau sự hiền ngoan, lễ phép, không vi phạm nội quy ấy, HS vẫn rất dễ bị lôi kéo gây ra lỗi lầm từ một phút bồng bột hoặc do không kiềm chế nổi khi bị bắt nạt. Hơn nữa, việc dạy kỹ năng sống mới dừng lại ở lý thuyết, chưa có thực hành, giả định tình huống để HS trao đổi...
Gia tăng việc câu kết ra ngoài trường học
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, từ đầu năm học 2009-2010 đến hết tháng 7-2010, đã có 1.598 vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường học.
Các trường đã kỷ luật khiển trách 881 HS, cảnh cáo 1.558 HS, buộc thôi học có thời hạn 735 HS.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, tình trạng HS đánh nhau ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp.
Những vụ HS đánh nhau có sự tham gia của đối tượng bên ngoài nhà trường có chiều hướng gia tăng.
Nhiều HS câu kết với các đối tượng thanh thiếu niên đã bỏ học ngoài xã hội đánh HS trong trường hoặc tổ chức thành từng nhóm đánh nhau có hung khí ngoài trường học.
A. Yến |
Kỳ tới: Giải pháp phòng chống chỉ trên... giấy
Bình luận (0)