Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết Bộ GD-ĐT đã có hàng loạt giải pháp đồng bộ cho cả nhà trường, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, gia đình học sinh (HS)... để khắc phục tình trạng HS đánh nhau.
Giải pháp nối tiếp giải pháp
Theo đó, về phía các trường, bộ yêu cầu phải có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm khắc với hành vi bạo lực học đường, đẩy mạnh quản lý HS, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ thời gian học của HS tại trường, có biện pháp quyết liệt để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng HS đến trường nhưng bỏ học, bỏ tiết ra ngoài chơi điện tử, tán gẫu hoặc tham gia đánh nhau.
Cùng với đó là đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho HS cả trong chương trình chính khóa lẫn hoạt động ngoại khóa làm sao để các bài giảng về đạo đức, lối sống phải sinh động, hấp dẫn để HS tiếp thu một cách tự nhiên; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và đạo đức con người.
Tại TPHCM, tháng 4-2010, Sở GD-ĐT đã tổ chức một hội thảo chuyên đề phòng chống bạo lực học đường. Tại hội thảo đó, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT, nhận định hiện tượng HS đánh nhau là một thực tế không mới, những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sinh hoạt của lứa tuổi hiếu động vẫn thường xảy ra trong các thế hệ HS nhưng gần đây đã bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác HS - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sau hội thảo nói trên ngành giáo dục TP đã rút ra nhiều giải pháp quan trọng về phòng chống bạo lực học đường, như: sự quan tâm sâu sát của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đến HS; đẩy mạnh sinh hoạt trong lớp học để phân tích tác hại của bạo lực học đường; cam kết của HS với nhà trường; đẩy mạnh hoạt động tư vấn học đường; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh HS; ký liên tịch với công an bảo đảm an ninh trong khu vực và trước cổng trường... Các giải pháp đó đã được triển khai xuống các cơ sở để ngăn bạo lực học đường đang có nguy cơ bùng phát.
Không dám tố giác vì sợ trả thù
Những tưởng với hàng loạt giải pháp của ngành giáo dục, bạo lực học đường sẽ giảm nhưng thực tế vẫn tiếp diễn với tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Điều đó khiến dư luận nghi ngờ hiệu quả của những giải pháp phòng chống bạo lực học đường mà ngành giáo dục đã đặt ra.
Tại mỗi lớp học của Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (TPHCM) đều có ban cán sự, chi đoàn, trường có hộp thư và tiếp nhận trực tiếp những phản ánh của HS... và còn có cả phòng tư vấn học đường hoạt động đều đặn do một số giáo viên bộ môn giáo dục công dân đảm nhiệm.
Thế nhưng ở đây vẫn xảy ra vụ một nhóm nữ sinh đánh đập, lột áo nữ sinh ngay trong lớp học, trước mặt rất đông HS khác, tệ hại hơn nữa là chính nữ lớp trưởng cũng tham gia mà nhà trường không hề biết gì cho đến khi đoạn clip quay cảnh hành hung HS lan truyền.
Ông Đinh Phan Long, Hiệu trưởng Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, nghiêm túc nhìn nhận đã có một trào lưu “cởi áo quay phim” được HS cho là bình thường. Đó là một biểu hiện lệch lạc và nguy hiểm nhưng HS không nhận thức được việc làm của mình là nguy hại.
Sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi tập thể có tác dụng giáo dục học sinh biết đoàn kết,
chia sẻ và nhường nhịn nhau hơn, qua đó bạo lực học đường sẽ giảm. Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều HS khi được hỏi đã thú nhận không dám tố giác vì sợ trả thù. Ông Long thừa nhận vụ việc này là một thất bại của nhà trường trong việc phòng chống bạo lực học đường, qua đây nhà trường cần xem lại công tác giáo dục HS cũng như trách nhiệm của các đoàn thể, cá nhân liên quan.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (TPHCM), cho biết dù nhà trường đã thực hiện các giải pháp phòng chống bạo lực học đường nhưng thực tế vẫn xảy ra và không thể ngăn được. Bạo lực xảy ra là do HS chưa ý thức được sự nguy hiểm trong hành vi của mình.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, nếu soi các giải pháp phòng chống bạo lực học đường vào những vụ bạo lực học đường vừa xảy ra thì ở đâu cũng thấy việc thực hiện chưa tốt các giải pháp.
Trong đó có cả phía nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Do đó, ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu đề ra các giải pháp hữu hiệu đồng thời đề nghị các trường thực hiện nghiêm chỉnh các giải pháp.
Bất cập trong giáo dục đạo đức
Bà Hồ Thị Ngọc Vương, trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TPHCM), lý giải chương trình học hiện nay nặng về lý thuyết trong khi những bài học về kỹ năng, lối ứng xử, hành xử - yếu tố cần thiết để hoàn thiện nhân cách HS - lại không nhiều. Chính điều này dẫn đến hệ quả nhiều HS có cách nhìn nhận khô khan, thờ ơ với những việc xung quanh, coi đó chẳng phải là việc của mình.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng phân tích rằng phương pháp giáo dục đạo đức cho HS hiện nay còn bất cập, chưa thực sự được quan tâm. Giáo viên dạy môn giáo dục công dân, đạo đức ở các trường phổ thông hầu hết là dạy kiêm nhiệm, không đúng với chuyên ngành được đào tạo nên hiệu quả rất thấp; chương trình của các cấp học cũng nặng nề với HS nên không còn thời gian để tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội:
Xử phạt chưa nghiêm
Tình trạng băng nhóm gây bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng. Việc dư luận lên án nhà trường chỉ chú ý dạy chữ chứ chưa chú ý dạy người không phải các hiệu trưởng không biết.
Nhưng họ làm thế nào được khi mà việc thực hiện chương trình các môn văn hóa đã kín hết thời gian, việc dạy đạo đức mỗi tuần chỉ còn trông vào một tiết giáo dục công dân, một tiết sinh hoạt lớp còn muốn giáo dục gì thêm thì phải tổ chức ngoại khóa.
Mà chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp thì bộ đã phân công kín cho cả một năm học.
Các trường không có cán bộ tâm lý tư vấn học đường, thời lượng cho những tiết học giúp HS trang bị kỹ năng sống không nhiều.
Phải đến tận năm học này, khi bạo lực học đường bị báo chí phản ảnh quá nhiều, các trường mới được thí điểm biên chế cán bộ tâm lý học đường.
Chưa hết, nhân vật chính để giải quyết công tác giáo dục đạo đức cho HS là giáo viên chủ nhiệm chưa được coi trọng, chưa được trả lương một cách thỏa đáng để chuyên tâm làm công tác giáo dục đạo đức một cách chuyên nghiệp.
Trong khi chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, gia đình, xã hội, dường như nhiều người đã quên một chủ thể quan trọng, đó là các HS gây nên bạo lực học đường.
Nhà trường không từ chối kiên trì giáo dục HS nhưng trước khi để nhà trường làm chức năng giáo dục, có lẽ HS phải được xã hội, pháp luật phối hợp giúp các em xây dựng ý thức tự giác chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình. Khi đó, các hình thức giáo dục của nhà trường mới có tác dụng.
Nếu tụ tập bạn bè hành hung gây thương tích cho người khác mà cơ quan chức năng chỉ chuyển vụ việc về trường, về gia đình để giáo dục thì chưa đủ nghiêm để các HS này biết sợ.
Yến Anh ghi |
Giấu danh sách học sinh cá biệt vì sợ ảnh hưởng thành tích
Tại hội nghị phòng, chống bạo lực học đường do Sở GD – ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng phân tích rằng sở dĩ tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng nghiêm trọng là do nhiều nguyên nhân trong đó rất đáng lưu ý là công tác quản lý, giáo dục HS cá biệt ở nhiều trường chưa tốt.
Vì sợ ảnh hưởng đến thành tích nên nhà trường chưa thường xuyên cung cấp cho công an danh sách HS cá biệt để phối hợp quản lý. Đến khi HS vi phạm pháp luật rồi nhà trường mới báo tin cho công an đến giải quyết hậu quả.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Công an TP Đà Lạt, nhận định: “Ngoài xã hội có tệ nạn gì thì môi trường học đường cũng tương tự, từ ma túy, giết người, cướp của, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, đánh nhau gây rối trật tự công cộng...”.
Công an tỉnh đề nghị ngành GD – ĐT phải có hình thức xử lý trách nhiệm của ban giám hiệu những trường giấu thông tin các vụ vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu nhà trường thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn việc HS mang hung khí tới trường.
Trong khi đó, một số hiệu trưởng lại cho rằng không ít công an xã, phường chưa chủ động, quan tâm giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan HS, cũng như các cơ sở kinh doanh có tác động trực tiếp đến môi trường học tập, vui chơi giải trí của HS; chưa thực hiện đầy đủ việc thông báo các vi phạm pháp luật của HS cho nhà trường, gia đình...
Được biết từ đầu năm học 2010 – 2011 đến nay, tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 21 vụ HS đánh nhau có sử dụng hung khí, trong đó có 7 vụ nghiêm trọng gây thương vong.
Đặc biệt là vụ như nhóm HS lớp 9 Trường THCS Quang Trung đâm chết một HS lớp 8 Trường THCS Tây Sơn; vụ HS Phạm Trọng Phúc (lớp 12B6 Trường THPT Bùi Thị Xuân) dùng dao đe dọa cô giáo ngay trong giờ học...
D.Linh |
Bình luận (0)