* Phóng viên: Đã có nhiều biện pháp xử phạt đối với những vụ bạo lực học đường trong thời gian qua nhưng chuyện nữ sinh hành xử với nhau bằng bạo lực vẫn tái diễn. Nguyên nhân hiện tượng do đâu, thưa bà?
- Bà Trương Thị Mai: Theo các báo cáo trình Quốc hội, không riêng vấn đề nữ sinh sử dụng bạo lực, gần đây, tội phạm gia tăng. Có nhiều nguyên nhân như việc gia đình rạn nứt, thiếu sự quan tâm hay sự chiều chuộng quá mức của cha mẹ, quan hệ trong nhà trường, từ phim ảnh, internet... Tuy vậy, chúng ta có phân tích để tìm nguyên nhân nhưng chưa đi đến tận cùng của nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.
* Liên tiếp xảy ra các vụ học sinh hành xử kiểu giang hồ. Đó có phải là sự phản ánh bức tranh bên ngoài xã hội, ở đó nạn bạo lực đang gia tăng, thưa bà?
- Chưa có điều kiện phân tích sâu nhưng tôi nghĩ có liên quan với nhau. Vấn đề xã hội chắc chắn có tác động đến nhà trường và những phản ứng của các cháu phần nào ảnh hưởng từ xã hội.
Một số cảnh trong video clip nữ sinh đánh nhau đang gây xôn xao trên mạng
* Có vấn đề hết sức nhức nhối trong các clip là bên cạnh việc hành hung tập thể còn có nhiều người đứng xem thản nhiên, thậm chí cổ vũ, quay clip và phát tán lên mạng. Phải chăng, thái độ vô cảm trong đời sống xã hội đã trở thành phổ biến?
- Gần đây, thái độ thờ ơ hoặc vô tâm trong xã hội là rất lo ngại, đặt chúng ta vào tình trạng báo động đỏ. Các cháu không trực tiếp sử dụng vũ lực nhưng thản nhiên nhìn hành vi bạo lực, thậm chí xem đây là trò vui, giải trí thì gia đình, nhà trường cần phải tăng cường sự quan tâm của mình với các cháu nhiều hơn. Nếu không được quan tâm giáo dục, thái độ thờ ơ, vô tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
* Bà có xem các clip nữ sinh đánh nhau không? Bà suy nghĩ gì về những hình ảnh xấu này?
- Tôi có xem. Khi xây dựng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quốc hội đã có thảo luận về việc cấm trẻ em đánh nhau nhưng lúc đó rất nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trẻ em va chạm nhau là bình thường. Đến nay, khi xảy ra hàng loạt vụ nữ sinh dùng vũ lực thì đúng là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng.
* Về hành vi tung các clip đó lên mạng, bà có đề xuất gì?
- Tôi đề xuất các trường phải đưa ra các quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên có hành vi này, đồng thời phải có hình thức xử lý kết hợp với giáo dục, hướng dẫn các cháu không vi phạm. Nếu không, hành vi xấu này sẽ vẫn tiếp diễn.
* Có nên đưa nữ sinh tái phạm sử dụng bạo lực vào trại giáo dưỡng không, thưa bà?
- Đây là biện pháp giáo dục cuối cùng. Tất cả những biện pháp đang tiến hành chỉ là giải quyết phần ngọn. Tức là cháu nào vi phạm thì xử lý cháu đó, thậm chí xử lý rất nặng để răn đe. Nếu mọi trường hợp vi phạm đều áp dụng biện pháp cuối cùng thì có khi làm chệch hướng cả cuộc đời của các cháu.
* Nhưng không có biện pháp mạnh thì chưa đủ sức răn đe?
- Để giải quyết căn bản vấn đề này cần phải đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là tăng cường giáo dục, thay đổi cách thức giáo dục từ gia đình, nhà trường đến việc cụ thể hóa các chế tài xử lý. Tôi cho rằng gia đình, học đường là nguồn gốc rất quan trọng đối với các em và cũng là gốc của vấn nạn bạo lực trong học đường. Vì vậy, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái, theo dõi và tâm sự, chia sẻ với các cháu để phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh ở các cháu, từ đó cha mẹ tham gia giải tỏa. Bên cạnh đó, thầy cô giáo cần gần gũi với học sinh hơn để kịp thời uốn nắn những hành vi không lành mạnh.
Bình luận (0)