Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Cổng thông tin Bộ GD-ĐT
Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT (moet.gov.vn), ngày 11-4 có đăng bài: Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 họp phiên đầu tiên. Bài viết này đề cập đến các nội dung về công tác chuẩn bị thi và tuyển sinh năm 2019 đã được tiến hành tích cực trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh những năm trước đó, nhất là năm 2018…
Đáng chú ý, bài viết có nêu: Trước đề xuất của Trường Đại học Y Hà Nội về việc cần có điểm sàn cho nhóm ngành sức khỏe, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề mà các trường trong nhóm ngành sức khỏe phải tự cân nhắc, bàn bạc và báo cáo Ban Chỉ đạo.
"Bộ không đứng ra áp điểm sàn, các trường tự chấp nhận điểm sàn và phải chịu trách nhiệm về chất lượng trước xã hội" – bài viết dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Thông tin Bộ không đứng ra áp điểm sàn khiến nhiều trường ĐH, nhiều chuyên gia giáo dục bất ngờ.
TS Lê Trường Tùng chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, trên facebook cá nhân, viết: Có hay không sàn chất lượng cho ngành sức khỏe? Luật Giáo dục Đại học nói CÓ, quy chế tuyển sinh nói CÓ, mà giờ bộ lại nói rằng Bộ trưởng nói rằng KHÔNG, là sao?
Phó hiệu trưởng một trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP HCM, cho biết ông khá bất ngờ về thông tin trên và cho rằng có thể bộ trưởng có nhầm lẫn hoặc lỗi đánh máy vì điểm sàn nhóm ngành sức khỏe là nội dung đã được công bố rộng rãi.
Đoạn nội dung trước khi bị gỡ bỏ
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết có sự nhầm lẫn của người viết bài khi trích dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Nhạ lên Cổng thông tin điện tử. Người viết đã ghép phần bộ trưởng phát biểu về việc bộ không áp điểm sàn với các ngành khác vào phần nói về điểm sàn của khối ngành y dược. Theo đó, Cổng thông tin điện tử đã gỡ bỏ phần trích dẫn nhầm lẫn nêu trên.
Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy có quy định:
Đối với các ngành đào tạo giáo viên các ngành Y khoa Y học cổ truyền Răng- Hàm- Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng Hộ sinh Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc két quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này. Cụ thể:
- Điểm trung bình cộng sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
- Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH: đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền Răng- Hàm- Mặt Dược học tối thiểu là 80 trở lên.
Riêng các ngành sư phạm âm nhạc Sư phạm Mỹ thuật, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, Điều dưỡng, Y học dự phòng Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.
Bình luận (0)