Ngày 15-11 là hạn cuối các trường phải báo cáo tình hình tuyển sinh năm 2013 về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường ngoài công lập không tuyển đủ sinh viên và có nguy cơ phải đóng cửa một số ngành học, thậm chí là giải thể.
Chỉ nhận được 75 hồ sơ xét tuyển
Đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM tư vấn cho phụ huynh, thí sinh Ảnh: NGỌC LAN
Tại TP HCM, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP chỉ tuyển được 200 sinh viên/1.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, bậc CĐ chỉ tuyển được 20 sinh viên. Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Trung tâm Marketing - Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP, cho rằng chỉ với 20 sinh viên bậc CĐ, trường phải gom các ngành vào chung thành một ngành là quản trị kinh doanh. Đối với bậc ĐH, trường vẫn mở 5 lớp nhưng việc duy trì hết sức khó khăn. “Chúng tôi đã tìm mọi cách để đưa thông tin đến người học nhưng vẫn không tuyển được” - ông Thi trầm tư.
Những thay đổi của Bộ GD-ĐT trong việc tạo ra nguồn tuyển dồi dào (số thí sinh đạt điểm sàn lớn hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tới gần 240.000 người, tăng gần 100.000 so với năm 2012) đã không “cứu” được các trường ngoài công lập. Thậm chí, một số trường gặp khó khăn triền miên trong tuyển sinh nhiều năm qua đang đứng trước nguy cơ giải thể.
Thiếu công bằng?
Trước tình trạng này, Hiệp hội Các trường ngoài công lập đã đề nghị Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan tạo cơ hội cho các trường hoạt động bằng cơ chế thông thoáng hơn. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cần được quan tâm như các trường công lập. Thừa nhận những tồn tại, yếu kém ở một số trường nhưng ông Cao Văn Phường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - cho rằng rõ ràng những khó khăn của các trường ngoài công lập xuất phát từ sự thiếu công bằng giữa trường công và trường tư. Trong 10 năm trở lại đây, trường ĐH công lập ở các địa phương ra đời liên tục, không phù hợp với quy hoạch. Các trường này được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cấp đất và hỗ trợ cho sinh viên khoảng 6 triệu đồng/năm nên học phí thấp hơn rất nhiều so với các trường ngoài công lập. “Nhiều trường vì “mác” công lập nên dù mới thành lập vẫn thu hút được thí sinh” - ông Phường nhận định.
Bộ GD-ĐT khẳng định sau năm 2015, khi đổi mới cơ bản toàn diện GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có nhiều thay đổi. Thế nhưng, lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập cho rằng với tình hình tuyển sinh khó khăn như hiện nay, việc tồn tại để đợi tới sau năm 2015 mới được tự chủ tuyển sinh là quá khó. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho biết trường này sẽ lên phương án đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức kỳ thi riêng để có thể “sống” được. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cũng mong muốn được Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển thêm dựa trên kết quả thi và học lực của thí sinh trong 3 năm THPT.
Cần đánh giá, nhìn nhận lại Ngay sau khi xét tuyển kết thúc, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng những trường ĐH không tuyển được thí sinh cần nhìn nhận, đánh giá khách quan nguyên nhân của vấn đề này. Theo ông Tuấn, kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như uy tín, danh tiếng, truyền thống của nhà trường; số lượng, chất lượng, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, điều kiện học tập và sinh hoạt, môi trường sư phạm; vị trí địa lý của nhà trường. Điều đáng buồn là bên cạnh những trường tốt, vẫn còn một số trường không bảo đảm được môi trường sư phạm, mâu thuẫn nội bộ kéo dài, không quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giảng viên. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các trường ngoài công lập. |
Bình luận (0)