Để làm tốt bài thi môn địa lý, thí sinh cần lưu ý:
- Phần lý thuyết: Nên vạch đề cương sơ lược các ý chính, nêu được ý lớn trước rồi mới đến ý nhỏ, đi từ khái quát đến chi tiết cụ thể. Bài làm có thể gạch đầu dòng các ý chi tiết hoặc phân ra các mục 1,2; a,b...
Nếu câu hỏi là dạng lý giải, thí sinh thường phải trả lời câu hỏi “tại sao?”. Với dạng đề này, thí sinh phải nắm vững kiến thức và vận dụng để giải thích một hiện tượng địa lý, cần đặc biệt chú ý tới các mối liên hệ nhân quả; câu hỏi dạng so sánh thì thí sinh phải phân tích được sự giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lý; câu hỏi dạng phân tích, chứng minh thì phải dùng số liệu thống kê tiêu biểu để phân tích hoặc chứng minh; câu hỏi dạng trình bày thì cần tái hiện kiến thức đã có rồi sắp xếp theo một trình tự phù hợp.
Thí sinh tham gia đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 tại TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
- Phần thực hành: Vẽ lược đồ VN và điền một số đối tượng địa lý lên lược đồ. Thí sinh cần nắm rõ yêu cầu về kích thước lược đồ và các nội dung cần điền. Phải bảo đảm tương đối chính xác về hình dáng. Lược đồ cần có vài hệ thống sông chính và thể hiện được sự toàn vẹn lãnh thổ (có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...). Vẽ xong, cần có bảng chú giải để giải thích ký hiệu dùng trên lược đồ.
- Về bảng số liệu: Thí sinh cần nắm vững một số công thức tính có liên hệ tới bài học để hiểu rõ hơn về số liệu và tính toán xử lý số liệu theo yêu cầu của đề thi: mật độ dân số, bình quân diện tích đất theo đầu người, sản lượng, năng suất, diện tích, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên, gia tăng dân số cơ học, độ che phủ rừng ...
Khi phân tích bảng số liệu thống kê, thí sinh không được bỏ sót các số liệu, cần tìm mối quan hệ giữa chúng. Phân tích số liệu có tầm khái quát cao rồi đến số liệu thành phần. Tìm những giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình, chú ý những số liệu mang tính đột biến (tăng hoặc giảm). Về dân số, nên tìm thời gian dân số tăng gấp đôi (tìm mối quan hệ giữa số liệu theo hàng dọc và hàng ngang, giải thích nguyên nhân của các diễn biến hoặc mối quan hệ đó).
Chọn biểu đồ thích hợp
Biểu đồ hình cột có thể được sử dụng để biểu hiện động thái phát triển, so sánh tương quan độ lớn giữa các đại lượng hoặc thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể. Thường vẽ biểu đồ cột khi số liệu là số tuyệt đối; số liệu tỉ lệ phần trăm cộng lại không bằng 100%; số liệu tỉ lệ phần trăm cộng lại bằng 100% nhưng đề yêu cầu vẽ biểu đồ cột. Các kiểu biểu đồ cột gồm cột đơn, cột ghép, cột chồng, cột 100%, cột yếu tố này nằm trong yếu tố kia. Lưu ý bề ngang các cột phải bằng nhau.
Biểu đồ tròn thường dùng để thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể. Vẽ biểu đồ tròn khi bảng số liệu tỉ lệ phần trăm cộng lại bằng 100%; bảng số liệu là số tuyệt đối nhưng trong câu hỏi có một trong các chữ: tỉ lệ, tỉ trọng, cơ cấu, kết cấu (phải xử lý bảng số liệu sang số liệu tương đối). Lưu ý vẽ từ hai vòng tròn trở đi, bán kính các vòng tròn lớn, nhỏ khác nhau khi tổng số lớn, nhỏ khác nhau; các số liệu thể hiện cơ cấu kinh tế, dân số.
Vẽ đồ thị (đường biểu diễn) thường được dùng để thể hiện tiến trình, động thái phát triển của một đối tượng qua thời gian. Khi vẽ biểu đồ kết hợp thường gồm biểu đồ cột kết hợp với đồ thị. Biểu đồ miền được dùng để thể hiện động thái phát triển và cơ cấu của đối tượng. Nếu đề cho số liệu tuyệt đối thì phải xử lý sang tỉ lệ phần trăm; nhận xét và giải thích. |
Bình luận (0)