Hiện tượng các địa phương trong cả nước thừa giáo viên (GV) quá nhiều là biểu hiện rõ ràng của lãng phí trong đào tạo. Với thực trạng đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi để khuyến khích học sinh (HS) thi tuyển vào ngành sư phạm có phải là một sự bất hợp lý?
Không quản nổi chỉ tiêu tuyển sinh
Theo nghĩa ban đầu, sinh viên (SV) sư phạm chỉ do các trường ĐH sư phạm hoặc CĐ sư phạm công lập đào tạo chính quy theo chỉ tiêu, dựa trên nhu cầu GV của các địa phương. Nếu đúng như vậy thì không thể thừa GV ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các trường ĐH và CĐ đã tạo ra nhiều nguồn đào tạo GV mới. Các trường ngoài công lập thường mở thêm khoa sư phạm để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh cho mình. Các trường công lập ngoài sư phạm cũng mở thêm hệ đào tạo GV theo mô thức “cử nhân + chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, rồi các trường ĐH sư phạm và sư phạm công lập cũng ồ ạt mở thêm các hệ tại chức hoặc đào tạo “từ xa” để tăng thu nhập. Trước một thị trường vô cùng sinh động như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không thể quản nổi chỉ tiêu tuyển sinh để cân bằng theo quy luật “cung - cầu” và dường như cũng thả nổi chất lượng đào tạo. Thế là đội ngũ GV ngày càng thừa ứ, SV sư phạm ra trường khó kiếm việc làm.
Nhưng nếu nhìn vào chất lượng đội ngũ GV hiện tại, ta sẽ thấy sự dư thừa nằm ở số những người yếu kém, trong khi thiếu nghiêm trọng những thầy cô giỏi.
“Của trời” ban phát
Coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, chính sách ưu đãi SV sư phạm (miễn học phí) đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục công bố năm 1998 và áp dụng mãi đến nay. Chính sách này nhằm thu hút nhân tài (tức HS giỏi) vào trường sư phạm để làm cho ngành giáo dục trở thành “cỗ máy cái” xứng tầm với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Trong mấy năm đầu thực hiện nghiêm túc, chính sách này phát huy hiệu quả tích cực. Điểm chuẩn tuyển sinh vào các trường ĐH sư phạm luôn thuộc tốp cao nhất trong các ngành đào tạo khiến các SV này đủ tiêu chuẩn để đào tạo thành những GV tốt. Tuy nhiên, từ khi nguồn đào tạo GV được mở rộng cho các trường ngoài sư phạm, ngoài công lập và các hệ không chính quy thì chính sách đó bộc lộ bất cập. Việc miễn học phí chưa đủ sức mạnh để thu hút HS giỏi vì đời sống GV vẫn còn rất khó khăn, trong khi nhiều ngành nghề khác mở ra những triển vọng hấp dẫn hơn. Số HS giỏi có nguyện vọng vào sư phạm giảm sút nhanh chóng, điểm chuẩn tuyển sinh của các trường ĐH sư phạm dần dần tuột dốc. Từ đó, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục dần biến thành một thứ “của trời” ban phát cho tất cả những ai vào được một trường sư phạm nào đó. Thế là một chính sách đúng đắn bỗng trở thành phi lý: Tại sao phải miễn học phí cho những SV có khi thậm chí yếu kém đến mức chỉ có thể tốt nghiệp bằng những thủ đoạn gian lận trong thi cử? Tại sao những SV được hưởng chế độ ưu đãi để phục vụ ngành giáo dục lại có thể được (hoặc bị) tìm việc làm ở những ngành khác? Sau cùng, những sự tiêu cực trong cách thức tuyển dụng GV ở các địa phương đã gạt ra ngoài cả những SV tốt nghiệp ĐH sư phạm được đào tạo chính quy có chất lượng.
Rõ ràng, một chính sách ưu đãi đúng đắn đã bị biến dạng và vô hiệu hóa do những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện nó.
Mặc dù đội ngũ GV hiện dư thừa nhưng nếu nhìn vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai nước nhà thì vẫn phải giữ vững và tăng cường chính sách ưu đãi đối với những người sẽ đảm đương sứ mệnh giáo dục.
Tuy nhiên, để chính sách ưu đãi phát huy đầy đủ hiệu lực tích cực thì cần sửa đổi triệt để cách thức thực hiện. Có thể khu biệt chính sách này trong phạm vi hẹp ở các trường ĐH sư phạm có uy tín cao của nhà nước. Các trường này chỉ tuyển HS học tốt ở THPT; quá trình đào tạo cũng chỉ áp dụng chính sách đối với SV học tập tốt (ngoài miễn học phí, có thể cấp thêm học bổng), khi tốt nghiệp được nhà nước bổ nhiệm tại những cơ sở giáo dục cần họ. Các trường sư phạm cũng phải đổi mới, nâng cao trình độ đào tạo để tiếp cận được với chuẩn mực quốc tế.
Siết chỉ tiêu sư phạm
Để khắc phục tình trạng dư thừa GV đã được báo chí lên tiếng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay giải pháp quan trọng được đặt ra là tiếp tục siết chỉ tiêu các trường sư phạm trong những năm tới. Trong công văn gửi các trường yêu cầu xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc xác định chỉ tiêu phải gắn quy mô đào tạo với chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Theo đó, yêu cầu chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2015 phải theo lộ trình tiếp tục giảm so với năm 2014 để khắc phục tình trạng SV sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Căn cứ vào thực tế và dự báo nhu cầu GV của địa phương, các cơ sở đào tạo nghiên cứu lập phương án tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo đối với GV THPT trình cơ quan chủ quản cho ý kiến.
Đối với chỉ tiêu đào tạo từ xa, yêu cầu các trường không xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo GV.Y.Anh
Bình luận (0)