Thời gian qua, cơ chế cấp phép thành lập các trường ĐH, CĐ mới khá lỏng lẻo. Hàng trăm trường ĐH, CĐ ồ ạt bung ra nhưng nhiều trường vẫn chưa tạo được uy tín với xã hội khi trang thiết bị xuống cấp, cơ sở học đi thuê mướn, đội ngũ giảng viên chưa đạt chuẩn… Đua theo “lợi nhuận”, nhiều trường đã “thả nổi” chất lượng giáo dục.
Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kết quả tuyển sinh năm nay có thể gây khó khăn cho trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét điểm sàn theo 2 phương án:
Một là, giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình bộ duyệt. Hai là, nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường. |
Bạn đọc Tam đặt giả thiết: “Bỏ điểm sàn đồng nghĩa với việc để các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển sinh đại trà. Việc học ĐH, CĐ quá dễ thì học sinh không có ý chí phấn đấu, chủ quan và nhiều vấn đề khác nảy sinh. Liệu các trường ĐH, CĐ có bảo đảm chất lượng đào tạo cho các sinh viên ra trường không?”.
Nhiều bạn đọc cho rằng điểm sàn chính là thước đo để phản ánh ngưỡng trình độ thí sinh. Đáng lẽ, điểm sàn, đồng nghĩa chất lượng giáo dục, ngày càng tăng lên thì nay lại đòi bỏ. Nếu bỏ điểm sàn, nhiều trường chất lượng kém muốn tuyển chưa chắc đã tìm được đủ học viên.
Bộ GD-ĐT có cứu nổi các “con”?
Trái ngược với các ý kiến trên, nhiều bạn đọc lại chia sẻ với khó khăn của các trường ngoài công lập. Theo đó, lượng thí sinh khá giỏi chỉ chiếm một phần nhỏ số thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay. Phần lớn số thí sinh còn lại đăng kí vào các trường tốp giữa và tốp dưới vì có học lực thấp hơn. Do đó, khả năng nhiều trường sẽ rất nhiều thí sinh dưới điểm sàn năm 2010.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2011 tại trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM. Ảnh: Đ.K
Bạn đọc Phan Văn Khiết cho rằng: "Nếu Bộ GD-ĐT hạ 0,5 - 1 điểm, nhiều thí sinh có thể thực hiện ước mơ bước chân vào ĐH. Việc giảm điểm sàn ít như thế sẽ không ảnh hưởng gì nhiều với chất lượng đầu vào và nó phù hợp với độ khó đề thi năm nay. Hy vọng Bộ sẽ hạ điểm sàn ĐH 2011 một cách hợp tình, hợp lý để các trường đủ nguồn tuyển nhưng vẫn bảo đảm chất lượng theo mong mỏi của nhiều thí sinh, phụ huynh và các trường ĐH".
Trong khi đó, bạn đọc Tiến Trình cho rằng kiến nghị bỏ điểm sàn rất cần thiết để tạo sự công bằng trong giáo dục giữa thành thị và nông thôn, miền núi nhằm tăng nguồn nhân lực cho địa phương.
Bạn đọc Lê Thị Kim Ngân lại băn khoăn: “Tại sao đầu vào của các trường quốc tế không cao mà đầu ra lại có chất lượng. Trường ĐH là nơi để đào tạo, học sinh đi học để rèn luyện kỹ năng. Đâu phải đầu vào điểm cao thì đầu ra sẽ giỏi?”.
Đa số bạn đọc ủng hộ quan điểm không nên chạy theo bệnh thành tích mà siết đầu vào của các trường ĐH. Bộ GD-ĐT nên trả quyền tự tuyển sinh cho các trường và tăng kiểm tra, giám sát chất lượng trong trường ĐH để bảo đảm các cử nhân, kỹ sư ra trường đáp ứng được yêu cầu.
Đề xuất bỏ điểm sàn là hợp lý Thực tế việc quy định điểm sàn chỉ có ý nghĩa chừng mực nào đó nhằm khống chế những thí sinh có điểm thi rất thấp nhưng vẫn trúng tuyển.
Quy định này dựa trên quan niệm đào tạo ĐH, CĐ là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Tuy nhiên, quan điểm này xem ra không còn phù hợp bởi mục tiêu của đào tạo ĐH, CĐ là phát hiện, nâng cao tiềm lực tối đa của mỗi con người. Ở khía cạnh khác, các trường CĐ nghề hiện nay, sinh viên có thể học liên thông lên ĐH và các trường này không thi tuyển, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT.
Như vậy, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn hoặc giữ điểm sàn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhưng chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có dôi dư nguồn tuyển theo tôi đều hợp lý. GS Phạm Phụ, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TPHCM |
Bình luận (0)