- Ông Bùi Anh Tuấn: Chúng tôi đã yêu cầu các tỉnh báo cáo về tất cả các nội dung liên quan đến hội đồng thi, việc chấm thi, sau đó sẽ kiểm tra xác minh, phân tích, đánh giá rồi mới kết luận. Cần phải nắm chắc thông tin rồi mới làm rõ sự việc, đó là quan trọng nhất. Tuy nhiên, có thể khẳng định từ một bài báo phản ánh của một giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hết sức nghiêm túc tìm hiểu vấn đề.
- Theo ông, việc tổ chức một cuộc họp để thống nhất hướng dẫn chấm thi của nhiều sở GD-ĐT với sự cho phép của bộ có phải là việc bình thường?
- Theo quy trình chấm thi, sau khi làm phách, các hội đồng sẽ thảo luận hướng dẫn chấm đối với các môn tự luận. Đầu tiên, chủ tịch hội đồng chấm phải nghiên cứu trước, sau đó tổ chức cho giám khảo thảo luận hướng dẫn chấm, tiếp theo đó là chấm chung công khai một số bài thi. Trong quá trình chấm thử mới phát hiện câu này, câu kia có vấn đề gì không, hướng dẫn chấm như thế đã chặt chẽ chưa..., nếu có vấn đề, sẽ báo cáo lên hội đồng chấm. Từ đó, hội đồng chấm sẽ báo cáo lên Cục Khảo thí, cục lại báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương. Ban chỉ đạo sẽ yêu cầu tổ bộ môn ra đề của môn thi đó xem xét. Nếu các ý kiến phản ánh đúng cần sửa thì sẽ báo cáo lại Ban Chỉ đạo Trung ương để từ đó thông báo đến toàn bộ các hội đồng chấm thi. Có những ý kiến phản ánh lại đối với tổ bộ môn là đúng, như môn văn năm nay đã phải bổ sung hướng dẫn chấm, nhưng cũng có ý kiến phản ánh chưa chính xác như đối với môn vật lý.
- Thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã rất gần. Liệu với cách xử lý như hiện nay, các thí sinh có bị thiệt thòi gì không?
- Kết luận ngay bây giờ thì có thể nói là rất vội vàng. Không thể bảo hội đồng thi sai, cũng không thể bảo giám khảo sai. Như tôi đã nói, xử lý vụ việc này gồm có mấy bước, đầu tiên là thu thập thông tin, bộ đã yêu cầu các sở báo cáo rồi; sau đó là kiểm tra xác minh, phân tích, đánh giá rồi đi đến kết luận. Bây giờ mới đang ở bước đầu tiên là thu thập thông tin nhưng có thể nói bộ đang rất khẩn trương. Khi sự việc chưa được kết luận thì không nên gây hoang mang, nghi ngờ.
- Từ khi tiến hành chấm chéo thì năm nào khu vực ĐBSCL cũng có “vấn đề”. Có hướng giải quyết nào cho khu vực này không?
- Sẽ không có giải pháp riêng cho khu vực này. Đổi mới phương pháp thi cử và đánh giá là cả một quá trình lâu dài. Chủ trương thi và học, học và thi đang làm từng bước một, làm sao thi tác động tốt tới việc học, học tác động đến thi.
- Không chỉ môn văn mà các môn tự luận khác đều có biên bản thống nhất chấm thi. Một thực tế là với cách ra đề mở, điểm thi của thí sinh phụ thuộc vào khả năng thẩm định của giáo viên. Liệu có khó khăn không khi chất lượng giáo viên không đồng đều?
- Tôi không cho là cách ra đề này vượt quá khả năng của giáo viên, có điều phương pháp đánh giá mới đưa vào thì phải thực hiện dần dần, đã quen với một cái gì đó thì không thể thay đổi được. Thi cử và đánh giá là cả một quá trình đi liền với nhau. Để làm được gì đó phải đào tạo đội ngũ, tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất...
- Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT năm nay có chủ trương ra đề thi dễ để đạt kết quả cao? Ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Mục tiêu của chúng tôi là học thật thi thật, không phải là thi đỗ 100%.
Bình luận (0)