Sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Đó là chia sẻ của các diễn giả với sinh viên tại Ngày hội việc làm năm 2018 do Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tổ chức ngày 28-9. Ngày hội có sự tham gia của 49 doanh nghiệp mang đến 4.000 vị trí việc làm là cơ hội cho khoảng 15.000 sinh viên trong trường và các trường lân cận giao lưu, tham quan, tìm hiểu, ứng tuyển
Đừng tự hào vì nguồn lao động trẻ
Phát biểu tại ngày hội việc làm, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM, cho biết ngày hội việc làm là sự kiện thường niên do trường tổ chức là sự cam kết với người học, với các doanh nghiệp, cơ quan đối tác về chất lượng sinh viên đầu ra, và cũng là dịp để nhà trường lắng nghe ý kiến phản hồi của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nguồn lực được đào tạo từ nhà trường.
Buổi tọa đàm với chủ đề "Thử thách-Cơ hội cho SV trong Kỷ nguyên 4.0", các diễn giả gồm: Bà Lê Thị bích Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đông Nam Á – Chủ tịch JCI Việt Nam 2018 - Ủy Viên Ban chấp hành Doanh nhân trẻ TP HCM; Ông Trần Bằng Việt – Tổng Giám đốc Đông A Solution- Cựu Tổng Giám Đốc Taxi Mai Linh; Ông Nguyễn Văn Thông- Tổng Giám Đốc Công ty Thiên An Real đã có nhiều chia sẻ với sinh viên.
Ông Trần Bằng Việt đã điểm lại các cuộc cách mạng và định nghĩa cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông cho rằng gọi tên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng 4.0 là không chính xác.
Nhiều gian hàng tuyển dụng chật kín sinh viên
Ông Nguyễn Văn Thông, chia sẻ rằng khi hội nhập quốc tế, cơ hội việc làm của sinh viên tại các công ty đa quốc gia là rất lớn, thu nhập sẽ cao hơn. Tuy nhiên, sinh viên phải có sự chuẩn bị tốt về chuyên môn, kỹ năng và ngoại ngữ.
Bà Lê Thị bích Trâm, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng tới chúng ta trong nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua việc ứng dụng công việc trong thực tiễn. Bà cho rằng, việc mình tự hào có nguồn lao động trẻ không còn phù hợp khi các công việc đều được tự động hóa có sự tham gia của robot. Do vậy, cần nguồn lao động chất lượng cao. Hội nhập quốc tế trong thời đại cuộc cách mạng lần thứ 4 là cơ hội, cũng là thách thức của lao động trẻ.
Các diễn giả trong chương trình tọa đàm
100 người khởi nghiệp, chỉ 1-2 người thành công
Buổi tọa đàm bắt đầu nóng lên với những câu hỏi của sinh viên. Một sinh viên khoa chăn nuôi Thú y, nói em muốn khởi nghiệp nhưng băn khoăn có nên bỏ học giữa chừng hay tiếp tục học hết sau đó khởi nghiệp? Câu hỏi này được ông Việt trả lời, rằng trong số 100 người khởi nghiệp chỉ có vài ba người thành công, nó phù thuộc vào nhiều yếu tố. Người có ý chí khởi nghiệp thường rất mạnh mẽ, làm bằng mọi cách, có thể chống trời để làm .
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông, cho rằng bản thân ai cũng khát khao làm chủ đặc biệt là khi ra trường. Tuy nhiên nếu khi ra trường nên tiếp xúc với công việc để chuẩn bị hành trang là những kiến thức để khởi nghiệp. "Thông thường 100 người khởi nghiệp thì chỉ có 1-2 người thành công, còn lại sẽ bỏ dở hoặc chuyển công việc khác. Vì vậy cần cân nhắc kỹ việc nghỉ học để khởi nghiệp .
Khoảng cách giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài cũng là vấn đề được sinh viên đặt câu hỏi. Nhận định về khoảng cách sinh viên Việt Nam và thế giới, bà Lê Thị Bích Trâm cho rằng, khi tiếp xúc với nhiều khóa đào tạo ở các nước, khi nhìn lại thấy sinh viên Việt nam khá nhanh tuy nhiên chậm hội nhập hơn so với các bạn trẻ quốc tế . Sinh viên Việt nam thường chậm hơn một nhịp so với các nước trong khu vưc. Về kiến thức, các bạn không thu kém thậm chí sinh viên Việt nam được rất nhiều giải thưởng quốc tế nhưng chưa được nhanh nhạy so với các bạn thế giới .
Ông Trần Bằng Việt, thừa nhận đúng là sinh viên Việt Nam chậm hội nhập 1 bậc so với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, mức độ chậm này phải nhìn nhận ở các ngành khác nhau . Có những ngành như Công nghệ thông tin sinh viên Việt Nam đang chậm khoảng 10 năm so với quốc tế, Công nghệ sinh học chậm 15 năm. Về mặt bằng chung chương trình chung sau 5 năm, một số ngành sau 20-30 năm . Hiện nay một số thành tựu chúng ta giảng dạy trong trường đại học là thành tựu của thế giới những năm 60, như vậy làm sao để vượt đươc.
Một sinh viên khác đặt câu hỏi về ngoại ngữ: ngoài tiếng Anh, sinh viên có nên học các ngôn ngữ khác không. Bà Trâm cho hay tiếng Anh là ngôn ngữ chính nên việc học tiếng Anh chắc chắn phải có . Sinh viên nên biết sử dụng những công cụ hỗ trợ để hỗ trợ cho việc tìm kiếm hoặc dịch tài liệu. Đối với ngôn ngữ khác, tùy theo mục đích cả cá nhân mà có những lựa chọn phù hợp .
Đồng tình việc này, ông Thông cho rằng, học ngôn ngữ thứ 2- tiếng Anh là điều hiển nhiên, điều này không chỉ phục vụ cho công việc mà còn phục vụ cho đời sống, ngay cả lúc đi du lịch thì tiếng Anh là công cụ giúp bạn hòa nhập. Đối với ngôn ngữ khác nếu có nhu cầu và xác định rõ thì phải học .
Đi làm thêm trong thời gian học ĐH cũng là câu hỏi được sinh viên quan tâm đặt câu hỏi. Bà Trâm khuyên, khi ngồi trên ghế nhà trường phải biết tận dụng cơ hội để cọ xát thực tế, như vậy khi ra trường sẽ không bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công viêc.
Nội dung này lại được ông Thông chia sẻ từ thực tế bản thân: "ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã kiếm tiền từ năm thứ nhật. Vì vậy tôi khuyên các bạn đừng bỏ phí thời gian, các bạn có thể giành ngày thứ 7 hoặc chủ nhật để tìm kiếm cơ hội . Ngoài có tiền điều quan trọng nhất là các bạn có kinh nghiệm, đây là những tài sản quý giá cho các bạn khi ra trường . Đừng bỏ phí thời gian nghỉ, thậm chí là ngày hè. Đừng đặt mục tiêu thu nhập mà hãy đặt mục tiêu tích lũy kinh nghiêm.
Tại ngày hội việc làm, các doanh nghiệp đã trao tặng học bổng cho sinh viên của trường với tổng trị là 180 triệu đồng, trong đó: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đông Sài Gòn (100 triệu đồng), Công ty TNHH Cargill Việt Nam (50 triệu đồng) và Công ty TNHH SunJin Vina (30 triệu đồng).
Bình luận (0)