Lý do các cháu không thuộc hai câu hát trong môn Âm nhạc do cô giáo Lê Thị Thu Thảo giảng dạy được đưa ra đôi khi cũng làm nhiều người thông cảm. Tuy nhiên, phạt chứ không phải trừng phạt và hình thức xử phạt phải mang tính giáo dục. Không phải là một vài roi mà đến vài chục roi như thế là quá sức chịu đựng với lứa tuổi tiểu học. Không một người bố người mẹ nào có đủ lòng vị tha trước việc con cái mình bị đánh nhiều như thế.
Thêm vào đó, lý do con cô giáo ốm cùng với việc cô giáo bị mất tiền không thể dùng để bao biện cho hành động đánh trò hàng loạt như thế. Tôi rất chia sẻ với những gánh nặng, nỗi buồn trong cuộc sống cá nhân của cô. Nhưng tôi không thể nào đồng tình với việc cô “giận cá chém thớt”, đem áp lực của mình dồn vào chiếc roi giáng xuống tay học trò!
Khi người giáo viên bước lên bục giảng, những muộn phiền của cuộc sống thường nhật cần được bỏ lại sau cánh cửa lớp. Đó cũng là một trong những kỹ năng cơ bản mà người giáo viên cần trau dồi để hoàn thành sứ mệnh cao cả - dạy chữ và dạy người.
Tất nhiên là không phải dễ dàng gì để người thầy quẳng gánh lo về cơm áo gạo tiền, quên đi những rối rắm của chuyện tình cảm, gia đình để say sưa với bài giảng, toàn tâm toàn ý giáo dục học sinh. Nhưng mong rằng mỗi người giáo viên hãy là một tấm gương sáng trong nhân cách, sáng trong ứng xử, để hình ảnh người thầy mãi mãi vẹn nguyên trong lòng học sinh.
Hình thức kỷ luật cô giáo sẽ được đưa ra trong thời gian tới. Dù sao đi nữa thì đây sẽ là một bài học đắt giá cho cô giáo Lê Thị Thu Thảo và cũng là lời cảnh tỉnh đối với tất cả những ai đang theo đuổi sự nghiệp gieo chữ trồng người: Hãy bỏ lại bao muộn phiền cá nhân sau cánh cửa lớp…
Bình luận (0)