Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 áp dụng từ năm học 2020-2021 theo chương trình phổ thông mới sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố vào chiều nay, 22-11.
5 bộ sách được thông qua
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết chuẩn bị cho chương trình SGK lớp 1 mới, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận 49 bản thảo ở 9 môn học được đề nghị thẩm định. Cụ thể: tiếng Việt, toán, đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; tự nhiên - xã hội (5); giáo dục thể chất (4); nghệ thuật (âm nhạc) (5); nghệ thuật (mỹ thuật) (5); hoạt động trải nghiệm (6); tiếng Anh (6). Sau 2 vòng thẩm định của đợt đầu tiên, 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt và bàn giao cho Bộ GD-ĐT.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn mới, có 5 bộ SGK lớp 1 đã được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua đang chờ bộ phê duyệt và công bố. Trong đó, 4 bộ của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và 1 bộ của 2 NXB của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP HCM. PGS Đỗ Ngọc Thống tham gia biên soạn bộ sách của 2 NXB thuộc 2 ĐH sư phạm trên. Bộ sách này do GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, làm tổng chủ biên, kiêm chủ biên sách tiếng Việt cấp tiểu học.
Không quy định "cứng" khi chọn SGK
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau khi Bộ GD-ĐT công bố SGK mới, các sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm tham mưu cho UBND địa phương thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành phố để chọn ra bộ sách phù hợp với địa phương mình. Việc lựa chọn SGK như thế nào cũng sẽ được Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Dự thảo hướng dẫn chọn SGK đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến xây dựng và dự kiến ban hành vào tháng 12-2019. Theo Bộ GD-ĐT, căn cứ vào thông tư này, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK và kết hợp với các tổ chức, tác giả soạn SGK tập huấn cho giáo viên các nhà trường trong việc sử dụng SGK.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho rằng theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi, UBND các tỉnh sẽ quyết định lựa chọn SGK. Tuy nhiên, sẽ không có quy định cứng là UBND tỉnh phải chọn tất cả các môn trong một bộ sách hay một bộ cho toàn tỉnh mà sẽ lựa chọn căn cứ vào điều kiện của từng địa phương, UBND tỉnh sẽ đưa ra những tiêu chí lựa chọn. Từ tiêu chí đó, tổ chức hội đồng lựa chọn phù hợp với điều kiện của địa phương.
Trước những băn khoăn lo lắng, làm thế nào hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách SGK, vì có nhiều bộ sách đồng nghĩa với có nhiều sự lựa chọn và cả cạnh tranh, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định điều này có thể được hạn chế bằng ý kiến đóng góp của chính giáo viên tham gia hội đồng chọn sách SGK của các tỉnh cũng như cộng đồng giáo viên.
"Hội đồng chọn sách phải lắng nghe các ý kiến này và nếu công khai, minh bạch sẽ hạn chế được tiêu cực có thể xảy ra" - ông Thành nói. Trong khi đó, chia sẻ quan điểm về việc lựa chọn SGK theo chương trình mới, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng sách nào hay và phù hợp thì chọn. Việc lựa chọn sách này hay sách khác có thể thay đổi theo từng năm, thậm chí từng học kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá chỉ căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của chương trình, không dựa vào một cuốn SGK cụ thể nào.
Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” do giảng viên, giáo viên TP HCM biên soạn. Ảnh: YẾN ANH
Cạnh tranh dễ phát sinh tiêu cực
Xung quanh việc chọn bộ SGK nào để dạy trong nhà trường, nhiều ý kiến lo ngại tiêu cực xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp sở xuống sẽ làm mất quyền của giáo viên bởi chỉ giáo viên mới biết bộ sách nào phù hợp.
Khác với 1 chương trình, 1 bộ sách, việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ sách được đánh giá là phát huy được trí tuệ của các giáo viên, nhà khoa học. Tuy nhiên, bộ sách nào lọt được vào nhà trường để được chọn làm tài liệu học tập là vấn đề được nhiều người băn khoăn.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP HCM, cảnh báo trong những bộ sách đã được thẩm định, "Chân trời sáng tạo" là bộ SGK do Sở GD-ĐT TP HCM làm đầu mối phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn. Sẽ khó có chuyện ngành giáo dục TP HCM không sử dụng bộ sách này mà sử dụng bộ sách khác.
Ở những tỉnh/TP khác không tham gia biên soạn SGK, việc bộ sách nào được sử dụng cũng là vấn đề quan tâm. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, nhìn nhận về nguyên tắc những bộ sách đã được thẩm định đều đạt yêu cầu nên các địa phương có lý khi sử dụng bất kỳ bộ sách nào. Tuy nhiên, sử dụng bộ nào thì còn nhiều chuyện phải nói. Khi thực hiện 1 chương trình, 1 bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều bộ sách thì sẽ có cạnh tranh mà có cạnh tranh thì dễ phát sinh tiêu cực. "Nếu một bộ sách nào đó rất ít được sử dụng thì nhóm tác giả, NXB sẽ thua lỗ và dễ bị triệt tiêu" - ông Cao Huy Thảo nói.
TS Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam, CHLB Đức - chuyên gia quốc tế, chuyên gia cố vấn xây dựng SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, cho biết ở một số quốc gia khi thực hiện nhiều bộ sách, thời gian đầu có nhiều nhóm tác giả, nhà xuất bản nhưng về sau chỉ có khoảng 2-3 nhà xuất bản lớn tồn tại.
TS Nguyễn Văn Cường cho rằng các địa phương khi chọn sách có thể lựa chọn các tiêu chí cho riêng mình trên cơ sở sách dễ sử dụng; phù hợp mục tiêu; chất lượng về nội dung; trình bày ngôn ngữ; thiết kế phương pháp; hỗ trợ lập kế hoạch và tổ chức dạy học; hình ảnh, đồ họa, bảng biểu…
Hiện các địa phương đã thành lập một hội đồng thẩm định do giám đốc Sở GD-ĐT làm chủ tịch hội đồng để nghiên cứu, đánh giá. Tại Hà Nội, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị mời các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia thẩm định để sớm tham mưu, đề xuất cho Thành ủy, UBND TP triển khai chương trình mới.
Việc triển khai SGK mới được thực hiện theo lộ trình: Năm 2020 là lớp 1; năm 2021 lớp 2 và lớp 6; năm 2022 lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm 2023 lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm 2024 lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP HCM:
Để cho giáo viên được quyền chọn sách
Trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GD-ĐT ban hành, SGK là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông... Do vậy, mỗi bộ sách đã được thẩm định đều phải đáp ứng yêu cầu về nội dung chương trình nhưng chất liệu có thể khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Cái hay của chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK là huy động được trí tuệ của nhiều giáo viên, nhà khoa học… tham gia soạn sách. Những sẽ là lãng phí nếu chỉ dựa hoàn toàn vào một bộ sách. Về nguyên tắc, bộ sách nào phù hợp, dễ hiểu nhất thì chọn nhưng sẽ tốt hơn nếu bài giảng của giáo viên chọn lọc được những cái hay của từng bộ sách. Giáo viên là những người được đào tạo có đủ trình độ nên để cho họ được quyền chọn sách, không nên áp từ trên xuống.
Bà VÕ NGỌC THU, nguyên Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, TP HCM:
Cần tiếp cận nhiều bộ sách
Mỗi bộ sách có những ưu điểm riêng. Do vậy, cần tập hợp được những ưu điểm đó trong bài giảng của giáo viên hơn là đơn thuần dựa hoàn toàn vào bộ sách này hay bộ kia. Việc chọn sách phải xuất phát từ giáo viên. Tuy nhiên, trong một trường mà có nhiều bộ sách được giáo viên chọn thì chừng nào đó sẽ khó khăn. Do vậy, cần để cho giáo viên tiếp cận các bộ sách, đánh giá ưu, nhược điểm từng bộ để chọn lọc nội dung và có sự thống nhất chung trên toàn TP thì sẽ tốt hơn chỉ dùng 1 bộ. Làm việc này bước đầu sẽ vất vả nhưng về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả cao.
Bình luận (0)