Phóng viên: Thưa bộ trưởng, đâu là lý do để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xây dựng đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỉ đồng?
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, như vậy là thấp nên phải nâng tỉ lệ này lên. Mục tiêu của Đề án 911 là phải đạt 35% tổng số giảng viên. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới.
Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường ĐH để cống hiến.
Có ý kiến cho rằng việc đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua còn nhiều tồn tại. Giờ lại đặt ra mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ như thế thì chúng ta kiểm soát chất lượng như thế nào?
- Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn (ví dụ có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh - kiểm tra thường xuyên.
Với đề án này, nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Và như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.
Kinh phí đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay rất thấp, trong khi kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài rất cao. Thời gian tới, bộ có điều chỉnh định mức kinh phí đào tạo tiến sĩ trong nước không?
- Chúng ta phải điều chỉnh. Những người giỏi thì có rất nhiều cơ hội có học bổng. Chúng ta muốn những người giỏi đi học tiến sĩ và nhà nước đứng ra hỗ trợ thì cũng phải tính toán mức kinh phí cho phù hợp. Dĩ nhiên có thể mức hỗ trợ không bằng các học bổng khác nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo và tính đến điều kiện phát triển cho người học.
Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và sẽ tính toán làm sao để suất đào tạo tiến sĩ phù hợp với từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo rất tốt, do vậy nên khuyến khích liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, cùng hướng dẫn, không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài.
Một trong những lý do khiến các giảng viên không mặn mà với Đề án 911 là chế độ đãi ngộ không tương xứng. Bộ có tính đến một chế độ đãi ngộ nào đó để thu hút tiến sĩ về làm việc sau khi được đào tạo?
- Điều quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc.
Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào đó thì bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách chứ không phải là cử đi học, cắt biên chế để đi đào tạo xong không về.
Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới rất khác với cách làm truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại nhà nước.
Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học. Còn vai trò của Bộ GD-ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và đề xuất định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức chung của các nước và khuyến khích người giỏi đăng ký đi học.
Bình luận (0)