Ngày 6-11, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã đặt câu hỏi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về nguồn ngân sách Nhà nước và tiền vay từ Ngân hàng Thế giới để thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa (SGK), tài liệu, sách tập huấn.
Dưới sự điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ được phân công trả lời vấn đề ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đã trả lại Chính phủ hàng chục triệu USD trong quá trình đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới - Ảnh: Nguyễn Nam
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình SGK tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD vay ODA, còn 3 triệu USD vốn đối ứng.
"Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ SGK như thiết kế ban đầu, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ SGK, để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới. Bộ GD-ĐT chưa sử dụng khoản tiền này"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Đối với số tiền còn lại xây dựng chương trình giáo dục mới, thì Bộ đã triển khai xây dựng, các hoạt động phát triển chương trình tổng thể. Đến tháng 12-2020 cố gắng phấn đấu tiêu 12 triệu USD. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã rà soát lại các chi phí không thiết thực để trả lại Chính phủ với tổng số tiền trả lại là 29,7 triệu USD.
"Như vậy tiền tiết kiệm sẽ trả lại, chúng tôi chỉ chi cho những khoản thiết thực"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết tới đây sẽ tiếp tục xã hội hóa SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng và tiết kiệm chi từ ngân sách.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu cũng dành câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về việc triển khai công nghệ 5G. "Công nghệ 5G được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, như ở Trung Quốc hiện có hơn 100 triệu thuê bao, tuy nhiên tổng chi phí đầu tư lớn. Xin hỏi Bộ trưởng Bộ TT-TT việc Việt Nam hiện nay mới triển khai 5G thì có chậm trễ không, có phương án nào để hạn chế tốn kém, lãng phí trong quá trình triển khai phát triển 5G trên diện rộng?"- ĐB Hiếu chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam không chậm trễ trong việc triển khai 5G. Theo đó, năm 2019 Việt Nam đã thử nghiệm, năm 2020 đã triển khai sau khi Liên minh Viễn thông Thế giới công bố chuẩn, đến năm 2021 sẽ triển khai diện rộng.
"Chúng ta triển khai 5G theo pha. Pha 1 là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nghiên cứu, đại học, phục vụ cho nghiên cứu công nghệ mới. Đồng thời, dựa trên hạ tầng đã có của 4G, 70% dùng lại được. Chúng ta triển khai 5G với tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng. Tin vui là chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chất lượng tốt, giá rẻ hơn"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)