Chiều 18-5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã tổ chức hội thảo tổng kết và lấy ý kiến dự thảo "Quyết định về mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế". Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng đã 5 năm kể từ khi triển khai, đã đến lúc cần cho các trường một quy định thoáng hơn.
Mức thu đã lạc hậu
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, tính đến năm học 2020-2021, TP có 40 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến. Từ năm 2005, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) là trường đầu tiên thí điểm mô hình này. Sau gần 10 năm trường này thí điểm, đến khoảng 2015, có thêm 2 trường THPT và gần 40 trường tại các quận, huyện áp dụng mô hình tiên tiến; trong đó có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS...
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - một trong những trường theo mô hình tiên tiến tại TP HCM
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết các trường này là những cơ sở giáo dục tiên phong trong đổi mới, xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp với định hướng hiện nay. Nhưng cũng theo ông Sơn, đến nay hệ thống văn bản pháp lý của TP về mô hình trường tiên tiến vẫn chưa đầy đủ, hợp lý, không còn phù hợp với các quy định là liên quan đến Luật Giáo dục 2019 và chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhu cầu mở rộng, triển khai thêm trường tiên tiến ngày càng cao nhưng sĩ số học sinh (HS)/lớp là rào cản chính với các địa phương. Chính vì vậy, chỉ tiêu mỗi quận, huyện có ít nhất mỗi cấp học 1 trường tiên tiến chưa thể đạt được.
Ông Sơn cũng cho rằng mức thu 1,5 triệu đồng/tháng được phê duyệt từ năm 2015 đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Một phần do vật giá tăng, phần lớn đến từ những yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động giáo dục. "Nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ngành GD-ĐT sẽ kiến nghị UBND TP cho phép điều chỉnh sĩ số HS/lớp của các trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến mở rộng đối tượng thụ hưởng trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Cụ thể, bậc mầm non bình quân 30 HS/lớp, tiểu học không quá 35 HS/lớp, THCS và THPT không quá 40 HS/lớp" - ông Sơn nói.
Là trường tiểu học thực hiện mô hình từ năm đầu tiên sau khi có quyết định của UBND TP, bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho biết ban đầu chỉ có 4 lớp thực hiện, đến nay đã có 800 HS với hơn 20 lớp theo mô hình. Mô hình được nhiều phụ huynh đánh giá cao, nhiều gia đình có điều kiện cho con học trường quốc tế nhưng vẫn muốn học trường công chất lượng cao. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, các tiêu chí trong dự thảo ở khối tiểu học cần phải tính toán lại, chẳng hạn như chuẩn tin học của HS theo dự thảo quy định rất khó đạt được, vì HS phải trải qua 3 bài thi mới đạt chuẩn. Bà Hạnh cũng phân tích với mức thu từ 5 năm nay vẫn là 1,5 triệu đồng/tháng rất khó thực hiện vì với mô hình trường này là 2 buổi/ngày. Ngay cả giáo viên (GV) nước ngoài, phụ huynh đòi hỏi GV tiếng Anh là người Anh chính gốc, tại các trung tâm có chất lượng, vì vậy buộc lòng phải trả phí cao; chưa kể những chi phí luyện, nghe nói, tăng cường các tiết ôn luyện. Ba bài thi tin học, mỗi bài đều trên 500.000 đồng cũng đều tính vào 1,5 triệu đồng là không ổn. Hoạt động ngoại khóa cũng tốn kém, mức giá tăng gấp đôi, những lần tổ chức lễ hội trong trường cũng thế. Bà Hạnh cho rằng cần phải tăng mức thu, bởi "khi khảo sát ý kiến phụ huynh, 100% phụ huynh đồng ý tăng từ 1,5 triệu đồng lên mức 1.650.000 đồng".
Tính toán để trở thành trường tự chủ tài chính
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho biết dự thảo cần phải tính đến yếu tố lâu dài của mô hình. Theo Ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10), đối với vấn đề sĩ số, cần phải tính đến tính không ổn định của mỗi lớp. Chẳng hạn, ở lớp tiếng Anh tích hợp, sĩ số hiện nay là 35 HS/lớp nhưng nếu trong trường hợp tài chính khó khăn, phụ huynh xin ra lớp thường thì áp lực lại dồn lên những lớp thường đó.
Trong khi đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho hay vì là mô hình trường được đánh giá tốt thông qua chất lượng HS, GV nhưng cũng cần tính đến bài toán lâu dài, xem các trường mô hình tiên tiến là bước trung gian để chuyển đổi sang mô hình trường tự chủ tài chính, điều này mới giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để không lãng phí cơ sở vật chất thì nên quy định chuẩn sĩ số không quá 40, hiện nay chỉ quy định 35 là quá lãng phí. Ông Thanh cũng đặt vấn đề mức học phí 1,5 triệu/tháng là rất khó thực hiện, khó tổ chức các hoạt động giáo dục. Đó là chưa tính đến mô hình trường yêu cầu về GV nhưng cơ chế trả lương thế nào để thu hút thì chưa tính đến.
Đại diện Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1) cho rằng chính sĩ số là vấn đề mấu chốt tạo niềm tin ở phụ huynh, vì vậy cần giữ chuẩn đúng 35 HS/lớp. Nếu tăng lên 40 em thì GV sẽ rất khó quan tâm đến HS.
Tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá dù mô hình trường tiên tiến chưa là một mô hình hoàn chỉnh nhưng cũng đã tạo ra một cộng đồng các trường thực hiện. Qua thực tế triển khai và từ các ý kiến đề xuất là căn cứ để điều chỉnh cho tốt hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Sở GD-ĐT TP phải hoạch định rõ mục tiêu của mô hình là gì, từ mục tiêu sẽ ra những biện pháp để thực hiện.
Cũng theo ông Dương Anh Đức, khi xây dựng chính sách, chúng ta phải tính toán lâu dài, trường tiên tiến thì sĩ số phải ít để triển khai các chương trình tiên tiến; những trường tự chủ phải nghĩ đến những trường khó khăn trên địa bàn, làm sao để mô hình trường trở thành niềm tự hào của TP HCM...
Rà soát các tiêu chí, không hình thức
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Sở GD-ĐT TP HCM cần rà soát lại các tiêu chí, không nên hình thức, người thầy phải đúng với vai trò người thầy, đó là chất lượng giảng dạy, tâm huyết, trình độ chuyên môn. Khi triển khai cần tính đến yếu tố liên thông, chẳng hạn HS học tiểu học trường thường, THCS trường tiên tiến, THPT lại ra trường thường thì sao? Trong mô hình trường này, đào tạo ngoại ngữ, vậy có vướng mắc chỗ nào? Với những em được học xuyên suốt ngoại ngữ và một em chưa được học thì có cho vào trường hay không? Phải tính đến điều kiện thực tế khi triển khai để không lúng túng và tạo công bằng trong học tập.
Bình luận (0)