"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới" - Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi, đã từng nói. Thế nhưng năm 2018, chưa bao giờ ngành giáo dục Việt Nam lại trải qua nhiều "sóng gió" đến thế.
Đến trường sợ thầy cô sỉ nhục
Nhức nhối nhất có lẽ là các vụ việc: Cô giáo bắt học trò uống nước lau bảng; cô giáo bắt học sinh trong lớp tát bạn 50 cái rồi tới 231 cái; cô giáo tát học sinh chảy máu tai...
Người ta hay đổ lỗi cho áp lực. Ngành nào, nghề nào chẳng có áp lực. Nguyên nhân chính là sự thiếu tôn trọng trẻ em ở người lớn nói chung và ở một số thầy cô giáo nói riêng. Hãy nhìn lại những vụ bạo hành xảy ra hầu hết đều là học sinh tiểu học và mầm non. Trẻ em càng nhỏ càng dễ bị bắt nạt, càng dễ bị đánh vì không đủ sức để phản kháng. Các em lại chưa đủ nhận thức để biết thầy cô sai nên im lặng chịu đựng. Chắc chắn trong thực tế có rất nhiều học sinh bị đánh nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc không phát hiện mà thôi. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với các nước tiên tiến khi trẻ em được coi như thiên thần được ưu tiên, được bảo vệ, được tôn trọng.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ ứng xử của thầy cô đối với học sinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Các em bị đánh về mặt thể xác còn dễ nhận ra nhưng các em bị nhục mạ, bị áp chế về mặt tinh thần mới đáng sợ hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trầm cảm hay bị stress ở các em. Điều này nguy hiểm vì nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của các em khi trưởng thành.
Có những em không có ngày nào không bị la mắng, đây là những chia sẻ của các em khi chúng tôi khảo sát về nỗi sợ hãi khi đến trường: "Mỗi lần đến giờ thầy là con run toát mồ hôi", "con rất sợ giờ cô chủ nhiệm"; "con sợ thầy đến mức nhìn thấy ở sân trường là bủn rủn chân tay rồi"; "con không bao giờ học giỏi đâu, cô bảo con học dốt muôn đời"; "cô gọi con là con heo ngu xuẩn", "đến trường đối với con thật là đáng sợ khi cả tập thể lớp đều bị thầy dạy toán gọi là bò".
Phải thay đổi từ ứng xử
Xã hội thay đổi nhưng hình ảnh thầy đồ xưa tay cầm roi ngồi trên cao vẫn không ít người không chịu thay đổi. Vẫn tự cho mình quyền được đánh, mắng; quyền uy hiếp học sinh mà quên rằng người thầy cũng phải là người bạn lớn của học sinh. Ngay cả cha mẹ và học sinh nhiều khi biết nhưng phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận sự vô lý vì sợ thầy cô dùng điểm hay xếp loại hạnh kiểm để đì con mình.
Hãy quan sát một buổi họp xét hạnh kiểm cho học sinh, không ít thầy cô phán tội học trò cứ như tòa án xét xử tội phạm. Chỉ vì "cái tội" của em mà lớp bị tụt hạng thi đua. Mới thấy rằng thầy cô không chỉ cần chuyên môn giỏi mà cần có tấm lòng độ lượng, vị tha. Những vụ việc gần đây lại thường xảy ra ở trường điểm, trường chuẩn; trường ở thành phố, thị trấn chứ không phải ở các trường vùng sâu, vùng xa. Phải chăng do áp lực thành tích quá cao cùng nghịch lý điều kiện sống và hành vi ứng xử?
Thêm vào đó, cả một thời kỳ dài ngành sư phạm bị coi rẻ. Ngay cả những gia đình có con học giỏi mấy ai cho thi vào sư phạm. Chất lượng đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra yếu. Ngoài giờ lên lớp, không ít giáo viên về nhà lo đồng áng, tương cà mắm muối, mấy ai còn thời gian để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Ông thầy đã "méo mó" từ trong trứng nước lấy đâu ra tâm - trí chuẩn mực, là gương sáng, là ngọn nến soi đường?
Còn đâu hình ảnh người thầy trang nghiêm có uy từ ánh mắt, nét đi, dáng đứng. Đi dạy trở thành một nghề cũng giống như các nghề khác trong xã hội. Thật thấm thía khi một học sinh phát biểu: "Ngày nay, nhiều người làm nghề giáo chứ không phải ai cũng là nhà giáo".
Về một số giáo viên hiện nay - kể cả cán bộ quản lý - cái thiếu, cái yếu trầm trọng chưa phải là kiến thức chuyên môn mà kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống trong cuộc sống. Trường sư phạm chỉ dạy phương pháp truyền tải kiến thức mà không dạy được người làm thầy thì phải đi đứng, nói năng, ứng xử, giao tiếp với học sinh và cha mẹ học sinh như thế nào; xử lý học sinh ra sao khi phạm lỗi cho thật nhân văn…
Tất cả phải có một sự thay đổi rất lớn từ nhận thức của người trong nghề và toàn xã hội. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải đi từ yếu tố đội ngũ những người thầy.
Bà TRẦN HỒNG THẮM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:
Chú trọng xử lý tình huống khi tuyển dụng
Có những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng khi dạy thử một tiết thì dạy không hấp dẫn, tương tác với học sinh kém. Trong mỗi nhà trường, có muôn vàn tình huống xảy ra, người thầy cần xử lý khéo léo.
Khâu tuyển dụng đầu vào giáo viên là vô cùng quan trọng, nếu tuyển sai là làm hỏng một thế hệ học trò. Việc tuyển dụng giáo viên tại địa phương hiện nay nên chú ý vào các câu hỏi tình huống, giảm thang điểm kiến thức để tuyển dụng. Đợt tuyển gần đây nhất tại Cần Thơ theo hướng như trên, sau đó lấy phản hồi từ các hiệu trưởng thì đúng là thấy giáo viên tốt hơn.
Ông TRẦN NGỌC MINH, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM):
Hạn chế hình phạt thiếu giáo dục
Giáo dục học sinh tưởng khó nhưng sẽ đơn giản nếu xem các em như con, em ở nhà. Người thầy nên làm từng bước, chậm rãi, mưa dầm thấm lâu bởi các em đang ở độ tuổi dễ sai, hiếu động, cần kiên trì nhắc nhở, uốn nắn thường xuyên. Tất cả biện pháp dù mạnh tay thế nào mà không xuất phát từ đặc điểm tâm lý của các em đều là "dục tốc bất đạt". Một hướng giáo dục hiệu quả là tăng cường các biện pháp như sinh hoạt ngoài trời, đội nhóm. Khi các em bận rộn hoạt động sẽ không còn thời gian nghịch phá. Hạn chế tối đa và tránh trừng phạt khắc nghiệt hoặc xúc phạm đến thân thể hay nhân phẩm của học sinh.
Trường học nào cũng có nội quy, ngành có quy chế, luật có các điều khoản, chúng ta hãy xử lý học sinh dựa theo các nguyên tắc đó.
Cô TÔ THỤY DIỄM QUYÊN - người sáng lập Diễn đàn Giáo viên sáng tạo:
Nhầm lẫn kỷ luật và trừng phạt
Không có học sinh hư, chỉ có những người thầy không có phương pháp giáo dục. Nếu giáo dục không đúng cách dễ biến một đứa trẻ trở thành tội phạm bởi dấu ấn của hình phạt, của những biện pháp sai trái sẽ mãi ở trong tâm trí trẻ… Trong lớp học, những hình phạt nhẹ nhàng sẽ giúp học sinh có sự tự tin, thông qua việc kỷ luật, các em làm được những việc có ích cho lớp học, nhà trường và chính bản thân các em. Chẳng hạn, nếu học sinh nói chuyện riêng trong lớp thì phạt các em phải dọn vệ sinh lớp học hoặc trồng cây xanh cho nhà trường… Sau khi các em chấp hành xong, phải khen các em thực hiện tốt, làm việc có ích. Kỷ luật học sinh là để giúp các em nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin. Ngược lại, trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, áp lực, đau đớn cho người bị phạt về thể chất và tinh thần khiến họ sợ hoặc xấu hổ nhưng vẫn không thể nhận ra mình đã làm gì sai và lần sau nên hành xử như thế nào cho đúng. Nếu người thầy không phân biệt rõ 2 khái niệm này thì dễ biến học sinh thành đối tượng để trừng phạt, phản giáo dục, gây tổn thương cho các em.
TS VÕ VĂN NAM, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM:
Ảnh hưởng tâm lý học sinh lâu dài
Hiện vẫn có một bộ phận giáo viên áp dụng các hình phạt cứng nhắc, nhất là hình phạt xâm phạm đến thân thể của học sinh, dùng đòn roi, hù dọa rồi các hình phạt về tinh thần như la mắng, miệt thị... Đây đều là những hình phạt không mang tính giáo dục, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, khiến các em mất tự tin trong học tập, xa lánh bạn bè vì xấu hổ, lâu dần có thái độ thù hằn, coi thường giáo viên.
Đặng Trinh ghi
Bình luận (0)