Liên quan đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK), chiều 17-10, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, đã giải thích xung quanh Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH do bộ ban hành hôm 3-10.
"Không hạn chế dạy học với ngữ liệu trong SGK"
Công văn 4612 nêu rõ: "Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK".
Những quy định thiếu cân nhắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ảnh hưởng đến việc đổi mới giáo dục phổ thông
Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Thành, do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu trên nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Ông Thành cho rằng việc Bộ GD-ĐT yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu" nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Tuy nhiên, việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là bộ chỉ cho phép giáo viên (GV) khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ.
"Trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, GV, học sinh (HS) thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của bộ" - ông Thành nói.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT không đọc kỹ văn bản?
Bình luận về phản hồi của Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội, cho rằng giải thích như vậy là không thỏa đáng.
"Bộ GD-ĐT có giải thích việc bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu nghĩa là không hạn chế GV chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK. Thế nhưng, với yêu cầu "không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK", rõ ràng GV đều nhận được thông điệp là chỉ được dạy những gì có trong sách" - TS Vịnh phântích.
Chuyên gia này cho rằng Bộ GD-ĐT khi ban hành văn bản thì cần phải rất rõ ràng, chính xác vì những hướng dẫn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường cũng như mười mấy triệu HS. "Không hiểu lãnh đạo bộ khi ký văn bản có đọc kỹ không và người soạn hướng dẫn này sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?" - ông Vịnh đặt vấn đề.
Hiệu trưởng một trường THPT nhận xét nếu báo chí không lên tiếng, đương nhiên các trường và GV sẽ hiểu họ chỉ được dạy những gì có trong SGK. "Chúng tôi đang cố gắng đổi mới giáo dục để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho HS. Thật sự khi đọc văn bản này, tôi rất buồn vì nếu đúng vậy thì Bộ GD-ĐT sẽ làm mất đi sự sáng tạo của thầy và trò, không phù hợp với yêu cầu cần nâng cao kiến thức của HS cũng như việc thẩm định chất lượng bài thi, nhất là các bài thi thuộc những môn khoa học xã hội. Thực tế, SGK của nước ta chưa phải đã là chuẩn mực tuyệt đối. Vì vậy, HS cần cập nhật những kiến thức hay và bổ ích ngoài chương trình SGK là cần thiết" - ông nhìn nhận.
Theo thầy Vũ Văn Lạng - một GV tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - học theo khuôn mẫu chỉ tạo ra tư tưởng rập khuôn, lặp lại như vẹt mà không có khả năng tự suy nghĩ, sáng tạo cũng như phản biện. Thầy Lạng cho biết Bộ GD-ĐT từng có những thay đổi bằng chủ trương cho phép một số trường thực hiện chương trình nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ đó, nhiều trường đã dựa vào chương trình giáo dục chung của bộ để xây dựng chương trình giáo dục riêng của mình theo hướng mở, linh hoạt, phát huy tối đa năng lực của mỗi HS.
"Trong chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích "một chương trình, nhiều bộ SGK" cùng với sự chủ động của GV. Đó là hướng đi đúng mà Bộ GD-ĐT cần phát huy. Đừng cản trở giáo dục phát triển bằng những quy định cứng nhắc" - thầy Lạng góp ý.
Bị phản ứng gay gắt mới lên tiếng
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho rằng ngay cả khi Bộ GD-ĐT thừa nhận có hiểu nhầm về mặt ngữ nghĩa trong việc ban hành văn bản là không được dạy kiến thức ngoài SGK, phản ứng lúc này của bộ cũng chỉ mang tính đối phó, không còn kịp thời, cũng không thể hiện sự cầu thị và nhận sai.
Thầy Đăng Du phân tích: Trước đây, chính Bộ GD-ĐT khẳng định SGK không phải là pháp lệnh, chỉ khung chương trình giáo dục phổ thông mới là pháp lệnh. Nay, bộ lại quy định không được dạy kiến thức ngoài SGK thì chẳng khác nào tiền hậu bất nhất, khẳng định SGK là duy nhất, là pháp lệnh. Thật ra, cái gì cũng có sai sót, vấn đề là cần kịp thời nhận ra và dũng cảm nhận sai, sửa chữa. Đằng này, khi dư luận phản ứng gay gắt thì bộ mới lên tiếng. "Trong giai đoạn giáo dục nhạy cảm thì phản xạ chậm chạp của bộ rất nguy hiểm" - thầy Du nhận định.Đ.Trinh
Bình luận (0)