Đó là câu chuyện của cô giáo Lê Thị Thắm - sinh năm 1998; ngụ thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vóc dáng bé nhỏ, thể chất mong manh không thể ngăn cản cô đóng góp những việc hữu ích cho cộng đồng.
"Chim cánh cụt" đến trường
Đã 25 tuổi nhưng cô giáo Thắm chỉ cao 1,4 m và nặng chưa đến 30 kg. Lần đầu đến lớp học tiếng Anh của cô, nhiều người ngạc nhiên về chiếc bàn giáo viên chỉ cao tương đương ghế ngồi. Bởi lẽ, cô giáo Thắm viết hay gõ máy tính hoàn toàn bằng các đầu ngón chân mà hiệu quả giảng dạy vẫn rất cao. Lớp học luôn sôi nổi, học sinh gần như chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thị Tình - mẹ cô giáo Thắm - bồi hồi nhớ lại: "Khi sinh ra, Thắm chỉ nặng có 8 lạng mà nhìn chẳng thấy tay đâu, tôi đã ngất xỉu ngay lúc ấy. Những ngày tháng sau đó, tôi chỉ biết ôm con mà khóc".
Khi Thắm lên 4 tuổi, bà Tình phải cho con đến lớp để còn đi làm. Bạn bè ở lớp được cô giáo đưa cho giấy bút tập viết, riêng Thắm thì không. Cô giáo nghĩ rằng Thắm không có tay thì sao cầm được bút. Thế nhưng, Thắm vẫn nằng nặc xin giấy bút và viết, vẽ bằng chân. Nhiều hôm kẹp bút vào chân lâu quá đến chảy máu nhưng cô bé vẫn cố học theo các bạn.
Trong nhật ký của Thắm, cột mốc năm 2004 có ý nghĩa rất quan trọng vì cô được đến trường học chữ. Lúc ấy, Thắm bị bạn bè trêu là "chim cánh cụt" nên tủi thân, có lúc chỉ muốn ở nhà để trốn tránh. Nhưng rồi, Thắm nghĩ lại: "Mình đã khiếm khuyết mà không cố gắng học thì sau này làm gì nuôi bản thân, bớt gánh nặng cho bố mẹ?". Thắm lại cùng mẹ đến trường.
Ở lớp, Thắm được xếp ngồi bàn đầu. Chiếc bàn của cô chỉ cao hơn ghế ngồi một chút để vừa tầm chân viết. Nhiều lúc Thắm phải lấy dây buộc cây bút vào chân cho chắc chắn. Dần dần, cô cầm được bút bằng chân mà không cần dây.
Không những viết được chữ, Thắm còn viết rất đẹp. Đôi bàn chân kỳ diệu ấy còn có thể xâu kim chỉ, làm tranh thêu, tranh đính đá, chải đầu, đánh răng và một số việc khác.
Năm học lớp 5, Thắm được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện và đoạt giải nhất. Buổi thi hôm đó, khi thời gian làm bài chỉ còn khoảng 10 phút, cô mới nhớ ra mình chưa ghi đầu bài. Thắm vội xin thầy giám thị tờ giấy mới để viết lại từ đầu và chỉ trong 10 phút cuối, cô đã viết được 2 trang giấy bằng chân. Sau kỳ thi huyện, Thắm tiếp tục thi tỉnh và đoạt giải xuất sắc. Đến năm 2007, Thắm thi vẽ tranh cấp tỉnh, đoạt giải nhì.
Thắm viết chữ bằng chân trên giảng đường đại học. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chân trái của Thắm dài hơn chân phải tới gần 10 cm. Dù đi lại khó khăn nhưng cô chưa từng "tự nhiên" nghỉ học buổi nào, dẫu mưa to nắng gắt hay trái gió trở trời.
Nhắc lại hành trình đến trường cùng con gái, bà Tình "lúc khóc, lúc cười" vì bao gian nan vất vả đã vượt qua. "Tôi đồng hành với Thắm suốt 12 năm học phổ thông và 4 năm đại học, lúc nào cũng có mẹ có con. Hồi nhỏ, tôi đặt Thắm vào yên sau xe đạp rồi buộc dây vào người hai mẹ con vì cháu không giữ được thăng bằng. Thế mà lắm lúc trời mưa, đường trơn hoặc còi xe làm Thắm giật mình, cả mẹ con đều ngã sõng soài ra đường" - bà Tình nhớ lại.
Là người cha, khi thấy con sinh ra khiếm khuyết, ông Lê Xuân Ân chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Suốt tuổi thơ của Thắm, ông dành thật nhiều thời gian chơi với con cho con đỡ tủi thân chứ chẳng dám hy vọng cô học hành thành tài.
Thắm và mẹ đồng hành cùng nhau trong 16 năm đến trường
Lớp học tiếng Anh của Thắm
Nuôi tiếp ước mơ
Năm 2016, học hết lớp 12, Thắm được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm tiếng Anh Trường Đại học Hồng Đức. Cảm thông hoàn cảnh của gia đình, nhà trường đã bố trí ký túc xá cho hai mẹ con và nhận bà Tình vào làm lao công để tiếp tục ở gần Thắm.
Ước mơ trở thành cô giáo của Thắm được hiện thực hóa bằng nỗ lực bền bỉ của hai mẹ con. Ngay từ kỳ nghỉ hè năm nhất, Thắm đã nhận các em nhỏ trong xóm để kèm cặp tiếng Anh miễn phí đồng thời tích lũy kinh nghiệm. Dần dần, các em nhỏ có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, nhiều phụ huynh tin tưởng tìm đến gửi con và động viên Thắm mở lớp.
Từ đó, lớp học ban đầu chỉ gói gọn trên chiếc giường của Thắm đã được mở rộng lên 20 m², có bàn ghế, bảng và giờ giấc đàng hoàng. Lớp học của cô giáo "chim cánh cụt" miễn phí cho các bạn nhỏ gia cảnh khó khăn hoặc khuyết tật.
Thắm bày tỏ: "Hành trình đi học của tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, bạn bè, thậm chí cả những người chưa từng gặp nên tôi rất muốn giúp đỡ lại những ai kém may mắn. Đó là niềm hạnh phúc được nhận yêu thương và trao đi yêu thương".
Từ khi lớp học được mở, Thắm càng mạnh dạn và tự tin. Chính các học trò nhỏ đã mang đến niềm vui và động lực cho cô để mỗi bài giảng được tốt hơn. Kể cả khi dịch COVID-19 bùng phát, lớp học vẫn "sáng đèn" bằng hình thức trực tuyến. Hiện tại, Thắm vẫn duy trì 8 lớp học tiếng Anh tại nhà cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 9. Các em không chỉ ở Đông Thịnh mà còn đến từ một số xã lân cận.
Bà Phùng Thị Huệ, phụ huynh em Lê Văn Nhật (thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh), cảm kích: "Đây là năm thứ 3, Nhật theo học lớp cô giáo Thắm. Cháu tiến bộ hẳn, được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường. Nhật còn khoe lớp học của cô Thắm rất vui, cô thường kể chuyện về nghị lực sống để truyền cảm hứng tích cực. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con cho Thắm và cảm phục về nghị lực vượt lên số phận của cô".
Năm 2020, Thắm nhận bằng cử nhân Sư phạm tiếng Anh. Ngày Thắm khoác áo cử nhân cũng là lần đầu tiên mẹ cô mặc áo dài để chung vui cùng con gái và đánh dấu hành trình 16 năm "con học mẹ học".
Cô gái 25 tuổi bé nhỏ như một thiên thần này sức khỏe đang giảm sút khá nhiều do bệnh ung thư tuyến giáp. Những đêm trở gió, cô bị tụt huyếp áp, bà Tình phải xoa bóp cho con gái. Rồi hai mẹ con lại cùng nhau thức thâu đêm nhìn lên ánh trăng với đầy sự hy vọng.
Ước mơ của Thắm là sẽ giành được học bổng đi du học thạc sĩ và báo hiếu mẹ cha. Thắm luôn tự hào nói với mọi người: "Dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng tôi lại có được tình yêu thương dạt dào của gia đình, như vậy là rất may mắn rồi".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)