Về thăm thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), một thôn "rốn lũ" gặp nhiều khó khăn, hỏi thăm lớp học thầy Phùng Văn Trường thì ai cũng biết.
Câu chuyện về nghị lực sống
Câu chuyện nghị lực vươn lên số phận của anh Phùng Văn Trường đã làm rất nhiều người trong vùng ngưỡng mộ, nể phục. Lớp học tuy chỉ là một căn phòng nhỏ với những bàn học đã cũ nhưng luôn rộn vang tiếng cười và sự gần gũi giữa thầy giáo và học trò.
Anh Trường sinh năm 1979 trong một gia đình nông thôn có 5 anh em. Hồi mới sinh ra, anh bình thường, thậm chí bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhưng, mãi đến 3 tuổi anh vẫn không đứng dậy đi được, bố mẹ anh chỉ nghĩ anh yếu xương nên chậm đi mà không nghĩ bị bệnh gì.
Ông Phùng Văn Mười - bố anh Trường - cho biết: "Khi Trường lên 5 tuổi, gia đình cho cháu đi khám thì mới biết cháu bị thoái hóa cơ, rồi phẫu thuật 2 lần nhưng không có kết quả, đến bàn tay cũng không duỗi ra được mà cầm nắm".
Lớp học của anh Phùng Văn Trường đã duy trì hơn 13 năm nay, những nét chữ được anh viết bằng miệng
Đến tuổi đi học, anh Trường phải chống nạng và bố phải dìu thì mới đi được vài bước. Nhưng mỗi ngày đôi chân của anh càng yếu đi. Biết bao lần anh tự ngã sõng soài trên con đường đến trường đầy sỏi đá, nước mắt của anh và bố mẹ luôn chực trào. Năm học lớp 8 thì gần như anh mất khả năng đi lại, trường học lại cách nhà đến 12 km nên Trường đành nghỉ học ở nhà.
Nhìn thấy bạn bè tung tăng đến trường, chạy nhảy còn bản thân không thể đứng dậy, anh Trường cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và bắt đầu nghĩ đến sự giải thoát số phận. Có người còn vô tâm nói rằng gia đình anh ăn ở "thế này thế nọ" nên anh phải gánh chịu hậu quả.
"Lúc đó tôi cảm chừng như đã rơi xuống vực thẳm, nhìn vào cái gì cũng liên tưởng đến tự tử. Nhưng chính những giọt nước mắt của mẹ tôi đã giúp tôi vực dậy, thoát khỏi vực thẳm tăm tối đó. Chí ít thì sự tồn tại của tôi cũng làm bố mẹ vui lòng hơn là tôi chết, cho dù tôi chỉ làm khổ bố mẹ, chẳng giúp ích được gì" - Trường tâm sự.
Ngậm bút "sửa" số phận
Quyết tâm bước qua vực thẳm của sự tuyệt vọng, anh Trường xin bố mẹ mở cho một quầy hàng tạp hóa nho nhỏ để bán hàng "đổi lấy" niềm vui. Người mua hàng chủ yếu là hàng xóm láng giềng nên đôi lúc mua chịu, anh Trường buộc phải nhớ hoặc ghi vào sổ nợ. Nhưng chẳng nhẽ đến việc ghi sổ cũng lại phải gọi người nhà ra ghi hộ thì vô dụng quá, anh tự nhủ. Anh nảy ra ý tưởng học viết bằng miệng để tự ghi sổ.
"Đầu tiên tôi ngậm bút sâu vào trong họng để viết nhưng không có điểm tựa và gây buồn nôn, tôi cố nhưng không được. Tôi chuyển sang ngậm chéo kẹp bút vào răng hàm và dùng cổ lái" - Trường kể. Những nét chữ đầu tiên được anh viết bằng miệng tuy chưa đẹp nhưng sau một thời gian khổ luyện, chữ anh viết đẹp đến nỗi chẳng mấy ai tin rằng chữ đó được viết bằng miệng.
Khoảng năm 2010, các em gái anh Trường đã xây dựng gia đình riêng, cô em gái thứ hai mang con đến nhờ bác Trường trông hộ. Trông cháu, thấy cháu vui học, anh Trường mới lại gần hỗ trợ, bảo ban thêm. Cháu bé học tiến bộ lên hẳn, mọi người trong gia đình rất vui. Tiếng lành đồn xa, một vài người hàng xóm mang con đến nhờ anh kèm cặp.
Vốn yêu trẻ, anh Trường nhận lời ngay, rồi từ đó lớp học được hình thành trên dưới chục cháu, có bàn ghế, giờ giấc hẳn hoi. Nhận dạy nhưng anh Trường không hề nói về kinh phí, coi như chỉ kèm cặp giúp hàng xóm láng giềng, nhưng thấy nghị lực và tấm lòng của anh, các phụ huynh đã bàn nhau đóng 100.000 - 200.000 đồng/tháng để giúp anh có tiền chi tiêu sinh hoạt.
Anh Trường chia sẻ: "Tôi không dám nhận là thầy của các cháu, tôi chỉ kèm cặp và giúp các cháu thôi. Hơn nữa, các cháu đến đây học khiến tôi có niềm vui mỗi ngày, cảm thấy bản thân làm được việc có ích cho xã hội, cho dù điều đó chẳng to tát gì".
Lớp học này nối tiếp lớp học khác, ai cũng tin tưởng vào anh, có em còn theo lớp học của anh Trường trong nhiều năm. Ngoài ra, lớp học của anh cũng từng đón nhận một số em chậm phát triển hay mắc chứng tự kỷ vào học. Tuy khó dạy hơn nhưng anh luôn cố gắng để các em bắt kịp các bạn khác. Và không chỉ truyền đạt tri thức cho các em, anh Trường còn thường xuyên kể chuyện cho các em về nghị lực sống, khát vọng vươn lên cho dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất.
Cháu Ngô Công Mạnh, ở xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) cũng được mẹ đưa đến lớp học anh Trường, kể: "Thầy Trường dạy cháu rất cẩn thận và dễ hiểu. Cháu ước mơ sau này trở thành công an để bảo vệ an ninh trật tự xã hội".
Năm 2014, Phùng Văn Trường tham dự chương trình Điều ước thứ 7 và bày tỏ mong muốn có một thư viện miễn phí cho các cháu đọc sách, mở mang kiến thức sau khi tan học. Ngay lập tức, anh nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà hảo tâm để xây dựng thư viện. Rồi, thư viện Hello World (Chào thế giới) ra đời ngay tại lớp học với hàng ngàn đầu sách từ truyện thiếu nhi, khoa học, văn học, toán học, sử học… đều đầy đủ. Và dĩ nhiên, thư viện phục vụ miễn phí bạn đọc mượn sách và số lượng sách tăng lên liên tục.
"Tôi tưởng tượng mình như một cây dây leo, nếu tôi tự leo chắc chỉ lên được một đoạn nhưng tôi may mắn có gia đình bên cạnh. Vợ con như cái giàn bắc lên giúp tôi leo tốt hơn, phủ bóng mát được một chút, giúp ích cho đời. Tôi còn có mong muốn hiến xác cho y học sau khi qua đời" - anh Trường tâm sự.
Cổ tích tình yêu
Cảm phục trước nghị lực của anh Trường, một cô gái lành lặn đã đem lòng yêu anh và nguyện cùng anh tính chuyện trăm năm. Anh Trường nghĩ rằng đó là duyên trời định và đã quyết định làm theo sự mách bảo của con tim. Hai người làm lễ cưới đơn giản mà đầm ấm. Hạnh phúc nhân đôi khi bé Phùng Thiên Trường Quảng chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh. Hiện nay, cháu đã học đến lớp 4 và có thể phụ giúp cha mẹ nhiều việc trong nhà. Chị Ngô Thị Hường, vợ anh Trường, bộc bạch: "Tôi chỉ mong anh ấy có sức khỏe để giúp đỡ các cháu trong thôn, đó cũng là niềm vui hằng ngày của anh ấy. Tôi luôn ủng hộ việc làm của anh...".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)