ThS Trần Nam (phải) giải đáp những câu hỏi của học sinh quan tâm đến các ngành đào tạo tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: N.Huy
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cho biết từ khoá tuyển sinh năm 2022, sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản, ngôn ngữ tại trường nhận được nhiều hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển ngành, nâng cao chất lượng sinh viên.
Cấp học bổng để khuyến khích người vào học
Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, 9 ngành học được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách nhà nước và của nhà trường trong năm 2022 gồm: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin- thư viện, lưu trữ học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga.
ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết 9 ngành được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước rất cần cho nguồn nhân lực của đất nước về lâu dài nhưng nhìn chung chỉ tuyển sinh được ở mức cơ bản. Nhằm thúc đẩy phát triển ngành, từ khoá tuyển sinh năm nay, sinh viên 9 ngành này sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: có tổng cộng 45 suất học bổng toàn phần tương đương mức học phí năm học thứ nhất dành cho thí sinh giỏi, xuất sắc; được tài trợ chi phí học ngoại ngữ; được giảng viên hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp; chương trình chia sẻ của các nhà tuyển dụng, nhà quản lý...; các hoạt động ngoại khóa được thiết kế riêng …
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) cũng đã quyết định dành ra 2 tỷ đồng để cấp học bổng cho các thí sinh trúng tuyển năm 2022 vào các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đó là các ngành: vật lý học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường.
ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết chính sách học bổng trên nhằm khuyến khích các thí sinh lựa chọn các khối ngành khoa học phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng ít người học và ít cơ sở đào tạo. Các suất học bổng được chia thành 2 loại: học bổng toàn phần 100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên.
Học bổng toàn phần sẽ được trao cho 5 thí sinh có điểm trúng tuyển cao nhất theo các phương thức xét tuyển, học bổng bán phần sẽ được trao cho 10 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Ngoài ra, sinh viên học tập tại các ngành trên còn có nhiều cơ hội nhận học bổng từ doanh nghiệp và cựu sinh viên trong các năm tiếp theo. Các học bổng trên sẽ được duy trì suốt khóa học nếu sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt.
Cần sự đầu tư đồng bộ
ThS Trần Nam cho biết nguồn kinh phí tài trợ 5,2 tỷ đồng từ ĐHQG TP HCM, từ học phí và các nguồn tài trợ khác của nhà trường… là hệ thống giải pháp chưa từng có đối với cả 9 ngành đào tạo nhằm hỗ trợ sinh viên theo đuổi ngành học yêu thích, vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện tại trường.
PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng chính sách hỗ trợ học phí chỉ là một phần để thu hút người học vào những ngành lâu nay khó tuyển sinh nhưng lại cần cho chiến lược quốc gia. Những năm qua, một số ngành về khí tượng thuỷ văn, tài nguyên biển đảo, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản… vẫn rất khó tuyển. Theo lộ trình thì đến năm 2023 trường sẽ thực hiện tự chủ nhưng các ngành khó tuyển sinh vẫn thực hiện chính sách học phí thấp để thu hút người học.
Ông Quyền lưu ý rằng những ngành khó tuyển không phải là khó tìm việc làm mà chủ yếu là do học sinh chưa có thông tin. Do vậy, để thu hút người học, chỉ riêng việc cấp học bổng hay thực hiện chính sách học phí thấp là chưa đủ mà công tác dự báo nhân lực phải thực hiện tốt để học sinh có đầy đủ thông tin về ngành nghề trước khi quyết định. Quan trọng hơn nữa là chính sách tiền lương phải đảm bảo bởi những ngành học này nhu cầu việc làm ít hơn so với các ngành mà đông người học.
Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Trưởng Ban Đại học- ĐHQG TP HCM, vai trò của ĐH không chỉ là đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường hiện tại mà định hướng quan trọng hơn là chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho sự biến đổi nhanh chóng và liên tục cho tương lai 5 năm – 10 năm tiếp theo. Vì vậy duy trì, đầu tư và phát triển các ngành đào tạo chiến lược quốc gia nhằm hướng đến tạo dựng những nền tảng vững chắc để làm chủ các công nghệ lõi và đón đầu những xu hướng phát triển là một trong những mũi chiến lược trọng tâm trong đào tạo tại ĐHQG TP HCM.
Để thu hút thí sinh giỏi và tuyển sinh tốt đối với các ngành đào tạo này. rất cần một sự đầu tư mang tính đồng bộ thông qua các đề án đào tạo, như Đề án đào tạo cử nhân tài năng đã được triển khai tại ĐHQG TP HCM từ 20 năm nay, hoặc các cơ chế đặt hàng trực tiếp từ Chính phủ nhằm tạo động lực và nguồn lực để phát triển các ngành đào tạo chiến lược phục vụ phát triển quốc gia. Đồng thời, thông qua những đề án và cơ chế này, cơ sở đào tạo sẽ có điều kiện thí điểm những cách làm mới, mô hình mới trong tuyển sinh như: xét tuyển theo các tiêu chí kết hợp, đánh giá năng lực tổng hợp, phỏng vấn...
Bình luận (0)