TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng tinh thần và nội dung của dự án luật còn nhiều hạn chế. Theo ông, những quy định về tự chủ ĐH còn nhiều điều bất cập, trong đó chưa hiểu được hết tính tự chủ ĐH. Tự chủ ĐH không chỉ tự chủ về tài chính mà còn nhiều mặt khác và tự chủ ĐH phải dựa trên sự quản lý của nhà nước. Đặc biệt, ông Phát cũng yêu cầu cần bổ sung vào điều luật, khi các trường đã được các cơ quan, tổ chức kiểm định quốc tế thừa nhận đạt chuẩn thì nhà nước phải chấp thuận cho trường ấy là trường đạt chất lượng cao. Ông Phát cũng đề xuất cần cấp bằng tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự cho các cán bộ giáo viên có cống hiến trong cuộc cách mạng giáo dục.
Một số ý kiến đề xuất điều luật về nhanh chóng mở rộng quy mô ĐH ngoại công lập Ảnh: TẤN THẠNH
GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cũng đưa ra nhiều nhận xét, đóng góp cho dự thảo sửa đổi lần này. Ông đã đưa 5 yêu cầu cần thiết phải được xem xét lại liên quan đến vấn đề tài chính. Thứ nhất, cần bổ sung điều luật về suất đầu tư thỏa đáng và cần thiết cho giáo dục ĐH. Thứ hai, cần thực hiện nguyên tắc: người học và gia đình chủ yếu phải gánh chịu chi phí ở giáo dục ĐH. Thứ ba, cần bổ sung điều luật: Phát triển các loại quỹ cho sinh viên vay vốn trong bối cảnh quy mô giáo dục ĐH đã được mở rộng, để bảo đảm công bằng xã hội. Thứ tư, cần nhanh chóng mở rộng quy mô giáo dục ĐH ngoài công lập để đến năm 2024-2025 có tỉ lệ sinh viên ngoài công lập chiếm khoảng 40% tổng sinh viên ĐH. Cuối cùng, ông đề nghị thí điểm phát triển loại hình ĐH tư thục có mức lợi nhuận thích hợp và ĐH công tư phối hợp.
Trái với ý kiến của GS Phạm Phụ, một số đại biểu cho rằng không nên thương mại hóa giáo dục, hình thức xây dựng giáo dục phi lợi nhuận phải được quy định chính xác và bổ sung vào văn bản lần này. Đồng thời, các đại biểu cũng yêu cầu cần quan tâm cơ chế liên thông; thiết lập lại hệ thống quản lý của các trường; quy định chính xác về bộ máy quản lý ở nhà trường để tránh tình trạng xung đột ý kiến cũng như những bất cập xảy ra không đáng có gây hậu quả xấu cho quá trình dạy và học.
Hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho các thiếu sót trong nhiều khâu soạn thảo chưa rõ ràng. Trong đó có nhiều khoản lặp lại không cần thiết, sử dụng thuật ngữ không nhất quán. Các đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc chắc chắn các điều khoản trong bộ luật trước khi đưa ra thực thi bằng văn bản chính xác; phải đưa ra một luật có thể giải quyết được các tắc nghẽn hiện tại của giáo dục ĐH...
Bình luận (0)