Vừa thay đổi vừa triệt tiêu
Một số đổi mới trong tuyển sinh năm 2013 đã gặp nhiều vướng mắc trong thực tế, nhất là đổi mới về tuyển sinh liên thông.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết lần đầu tiên thí sinh (TS) liên thông phải thi chung với TS chính quy trong kỳ thi 3 chung và trường chỉ có dưới 10% TS hệ này đạt điểm sàn. Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, hệ liên thông có 300 hồ sơ dự thi nhưng chỉ 5%-7% TS thi đạt điểm sàn. Tại Trường ĐH Công nghiệp
TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, trưởng phòng đào tạo, cho biết chỉ có 78 TS trúng tuyển hệ liên thông.
Với con số ít ỏi này, các trường gặp không ít khó khăn trong việc bố trí lớp học. Ông Doãn Thái Thanh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết do chỉ trên 10 SV trúng tuyển, có ngành chỉ 1-2 em, trường phải sắp xếp học cùng với hệ chính quy. Song, hầu hết SV hệ liên thông có nhu cầu học vào ban đêm. Do đó, một số SV hệ này không đăng ký được môn học vì hầu hết giờ học cho SV chính quy là vào ban ngày.
Đại diện nhiều trường cho rằng đổi mới trong quy chế liên thông gây nhiều hệ lụy. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, với chỉ khoảng 10% TS hệ liên thông đạt điểm sàn, chứng tỏ sức học của TS hệ này khác với hệ chính quy. Việc họ phải thi chung với học sinh THPT gần như chặn lại con đường liên thông.
Lúng túng với đổi mới
Đại diện nhiều trường cho biết chưa có năm nào số lượng TS ảo nhiều như năm nay. Nguyên nhân là do thay vì mỗi TS chỉ được 2 phiếu xét tuyển thì năm nay có 3 phiếu; nếu dự thi 2 đợt, TS có đến 6 phiếu xét tuyển. Do vậy, các trường rất đau đầu khi xác định số lượng TS ảo.
Tiến sĩ Trần Đình Lý đề nghị để giảm bớt tình trạng này, Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường xác định tổng chỉ tiêu trong vòng 3-5 năm, thay vì từng năm như hiện nay. Nếu năm nay trường tuyển dư chỉ tiêu thì năm tới sẽ bớt lại, miễn sao trong vòng 3-5 năm bảo đảm được tổng chỉ tiêu, giữ ổn định quy mô đào tạo là được.
Ngoài ra, một số quy định bổ sung quá chậm trễ cũng khiến nhiều trường lúng túng. Trong đó, đáng nói là Thông tư 24 bổ sung đối tượng ưu tiên có hiệu lực từ ngày 19-8, khi đó các trường đã công bố điểm chuẩn. Ông Minh nêu ví dụ: TS có cha mẹ từng thực hiện nghĩa vụ quân sự quốc tế mang giấy chứng nhận đến đề nghị được cộng thêm điểm trong khi điểm chuẩn đã xác định rồi nên trường khá lúng túng.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cũng cho biết trường đã xác định có 60 trường hợp được tuyển thẳng thuộc các đối tượng ưu tiên trước khi diễn ra kỳ thi. Tuy nhiên, sau khi có Thông tư 24, trường phải tiếp nhận thêm một số trường hợp bổ sung, làm rối chỉ tiêu. Do vậy, nếu Bộ GD-ĐT có thay đổi chính sách thì nên điều chỉnh sớm để các trường không bị động.
Bình luận (0)