Chưa đầy một tháng nữa, học sinh (HS) khối 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi có nhiều đổi mới từ hình thức cho đến số lượng môn thi. Vì vậy, việc tổ chức ôn thi được các trường hết sức quan tâm nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất.
Tăng tốc, áp lực lớn
Tại TP HCM, không khí ôn tập đang diễn ra khẩn trương và nghiêm túc tại các trường. Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) xây dựng lịch ôn tập rất chi tiết. Buổi sáng, học sinh sẽ ôn luyện các môn thi bắt buộc: toán, ngữ văn, tiếng Anh còn buổi chiều sẽ ôn tập theo bài thi tổ hợp.
Chọn tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, em Nguyễn Bá Lê Thuyên, HS lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Du, cho biết đã bắt đầu ôn luyện cách đây 2 tháng. Trên lớp, Thuyên cùng các bạn được thầy cô giáo cho ôn tập nhiều, làm bài thi thử cũng nhiều. Vấn đề em lo lắng là kỹ năng, trong đó có kỹ năng bấm máy đối với môn toán vì thi trắc nghiệm cần phải nhanh và chính xác.
Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), lịch tổ chức ôn tập cho HS được tổ chức từ đầu tháng 5 và kéo dài đến giữa tháng 6. HS sẽ được sắp thời khóa biểu và ôn luyện theo tổ hợp đã chọn. Hầu hết đều đang bước vào giai đoạn ôn tập cấp tốc, nhiều HS lập nhóm để tự ôn luyện, giải đề cùng nhau.
Em Lê Bảo, HS lớp 12A1 của trường, cho biết ở nhà, em dành mọi thời gian cho việc giải đề và ôn lại kiến thức. "Em cần nắm vững kiến thức cơ bản, nếu không sẽ không kịp thời gian làm bài" - Lê Bảo cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Nguyễn Du, đây là giai đoạn nước rút nên các em rất ý thức luyện tập ôn thi. Trong thời gian này, nhà trường chủ yếu tăng cường các tiết luyện tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cho các em.
Để kiểm tra và củng cố kiến thức lại một lần nữa cho chắc chắn hơn, ngày 1 đến 3-6, trường sẽ tổ chức thi thử cho HS khối lớp 12. Đề thi sẽ do thầy cô bộ môn phụ trách xây dựng dựa trên việc tham khảo đề thi của cụm, ngoài ra nhà trường luôn khuyến khích các em tự học theo nhóm.
Học sinh Trường THPT Vĩnh Viễn, TP HCM đang tăng tốc ôn thi Ảnh: Tấn Thạnh
Năm nay, ngoài việc có nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm thì HS còn phải làm bài thi tổ hợp môn. Việc này được các giáo viên cho là sẽ khó khăn cho HS. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết khác với những năm trước, năm nay, HS dự thi THPT quốc gia phải thi 3 môn bắt buộc, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp môn tự chọn nên khối lượng kiến thức cũng tăng từ 4 lên 6 môn, điều này cũng tạo áp lực cho các em. Hiện nay, giáo viên ở trường đang tổ chức ôn tái hiện từng phần cho HS bởi trong quá trình học, giáo viên cũng đã cho HS ôn và tập trung vào những nội dung chính.
Một đại diện của Trường Tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình) cho biết năm nay, thời gian tổ chức kỳ thi rút ngắn lại so với những năm trước không phải là thuận lợi đối với thí sinh. Đối với bài thi tổ hợp, kết thúc môn này, các em lại tiếp tục làm bài khác mà không có thời gian nghỉ ngơi nên rất căng thẳng.
Điều chỉnh ôn luyện theo đề thi minh họa
Tại Hà Nội, ngay sau khi có đề tham khảo, hầu hết các trường THPT đều họp giáo viên phụ trách bộ môn lớp 12 để nghiên cứu, đưa ra cách ôn tập hiệu quả nhất.
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy nhận xét cách ra đề đòi hỏi kiến thức bao quát, chủ yếu là các môn trắc nghiệm đã làm thay đổi đáng kể cách thức ôn thi của các em. Năm nay, nếu ôn theo kiểu "học tủ, học lệch", HS sẽ khó hoàn thành được bài thi.
Vì vậy, việc tổ chức ôn tập đều được các trường định hướng không mở rộng nhiều kiến thức mới mà tập trung vào những kiến thức cơ bản theo định hướng đề thi tham khảo, rèn luyện kỹ năng giải bài tập nhanh...
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), cho biết với kiểu đề thi minh họa mới công bố thì không có chuyện "học vẹt", "học tủ" mà phải nắm được những kiến thức trọng tâm của toàn bộ chương trình. Do thời gian từ nay đến kỳ thi không còn nhiều nên trường sẽ chỉ tổ chức kiểm tra các môn văn, toán, ngoại ngữ để đánh giá hiệu quả ôn tập của các em đến đâu để còn kịp thời điều chỉnh.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn toán Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết nhà trường đã họp bàn, có những điều chỉnh để cho phù hợp hơn với đề thi. "Chúng tôi cắt bớt số câu hỏi liên quan đến thực tế, tăng cường một số câu hỏi khó trong 1 đề, tức là vẫn theo hướng ưu tiên hơn theo đề lần thứ 3 này và như thế HS sẽ phải tiếp cận và phải rèn luyện những kỹ năng để làm nhiều câu khó hơn trong một đề. Theo cấu trúc này thì cỡ khoảng 15-20 câu là xếp vào loại khó. HS căn cứ theo tinh thần này để trong thời gian sắp tới rèn luyện thêm kỹ năng tính toán nhanh, tiếp cận với những câu hỏi ở mức độ sâu hơn để đáp ứng được những câu hỏi khó" - thầy Tùng nói.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), cho biết sau khi HS tiếp cận đề thi tham khảo, tự đánh giá năng lực của mình, các giáo viên của trường này sẽ sửa từng câu hỏi cụ thể trong đề thi tham khảo cho HS lớp mình phụ trách, đưa ra các phương án, kỹ năng làm bài thi, chỉ rõ sai lầm HS thường mắc phải, định hướng việc học ôn thi.
Tập trung cho học sinh yếu
Để kỳ thi đạt kết quả tốt, lãnh đạo nhiều trường cho biết đều chia các lớp ôn tập theo từng nhóm HS, trong đó chú trọng củng cố kiến thức cho những HS có học lực trung bình và yếu. Với những HS thi vừa xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển CĐ, ĐH thì tổ chức các lớp học riêng theo từng khối thi.
Ông Nguyễn Văn Túc, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), cho biết ban giám hiệu và giáo viên bộ môn đã nắm rõ danh sách em nào yếu môn gì để lên kế hoạch bồi dưỡng cho các em có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.
Bình luận (0)