Sau khi Báo Người Lao Động ngày 16 và 18-4 đăng bài điều tra về những bất cập trong liên kết đào tạo, ngày 24-4, Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết đã có kết luận xử lý sai phạm một số đơn vị liên quan.
Sai đủ kiểu
Theo đó, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ Ladec (gọi tắt là Trường CĐ Ladec) đã ký hợp đồng hợp tác dạy nghề với Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ đào tạo Đông Âu (gọi tắt là Công ty Đông Âu) là đơn vị không có chức năng và năng lực dạy nghề tại thời điểm ký hợp đồng; thỏa thuận quá nhiều nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, năng lực của công ty.
Ngoài ra, các địa điểm tổ chức đào tạo không đúng với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề được cấp. Hợp đồng dạy nghề không thể hiện số lượng tuyển sinh, không có phụ lục như đã ghi trong hợp đồng; trong các nghề liên kết đào tạo có quản trị kinh doanh là nghề không có tên trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, tài chính - ngân hàng là nghề không có trong danh mục nghề đã ban hành, công nghệ thông tin là nghề không đúng tên mã nghề cấp IV. Khi ký kết hợp đồng cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý Nhà nước.
Sở cũng yêu cầu trường thanh lý hợp đồng hợp tác dạy nghề với Công ty Đông Âu vì hiện chỉ có trường là đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo sinh viên đến khi hoàn thành chương trình.
Vi phạm quy định quản lý dạy nghề
Sở LĐ-TB-XH TPHCM cũng đã có văn bản gửi Trường CĐ nghề Phú Châu, đơn vị đang hợp tác với Công ty Đông Âu, tuyển sinh tại TPHCM và đang tiếp nhận đào tạo hơn 30 sinh viên của Trường CĐ Ladec. Theo đó, mạng lưới đào tạo CĐ nghề tại TPHCM rất lớn, với đủ ngành nghề da dạng, đủ để cung ứng cho TP và khu vực. Vì vậy, sở chưa thể xem xét đề nghị mở cơ sở tại TPHCM của Trường CĐ nghề Phú Châu.
Văn bản của sở cũng nêu rõ: “Qua thông tin kèm hình ảnh trên Báo Người Lao Động ngày 18-4, trường đã tự ý treo bảng hiệu Trường CĐ nghề Phú Châu tại 74 Minh Phụng (quận 6 - TPHCM), liên kết với Công ty Đông Âu tiếp nhận sinh viên đào tạo CĐ nghề. Đây là việc làm vi phạm quy định về quản lý dạy nghề. Đề nghị trường chấm dứt ngay việc liên kết đào tạo này”.
Bảo đảm quyền lợi học viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có văn bản yêu cầu Trường CĐ Ladec và Công ty Đông Âu họp bàn giải quyết vướng mắc, thống nhất biện pháp khắc phục hậu quả xảy ra trong hợp tác đào tạo.
Trong đó, phải có việc tổ chức giảng dạy bổ sung kiến thức còn thiếu đối với các môn đã lập kế hoạch giảng dạy thiếu giờ; nghiêm túc đánh giá xem xét quyết định kế hoạch đào tạo tiếp theo đối với các lớp của khóa học để bảo đảm quyền lợi học tập của học viên.
Trường phải ban hành thông báo cho sinh viên kết quả giải quyết các tồn tại vướng mắc xảy ra, kế hoạch học tập tiếp theo của khóa học để trấn an tinh thần của sinh viên… và báo cáo cho tổng cục trước ngày 30-6.
Yêu cầu trường tổng hợp, xem xét, đánh giá hậu quả sai phạm, giải trình về việc đã tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề tài chính ngân hàng không có trong mã nghề cấp IV (tổng số có 309 sinh viên đang theo học). |
Bình luận (0)