Sáng 8-3, theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, trong số những người bị công an triệu tập đến làm việc liên quan đến điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hòa Bình, danh tính 3 người đã được xác định gồm các ông: Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hòa Bình; ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy; ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hòa Bình.
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình
Được biết, tổ chấm trắc nghiệm của Hòa Bình gồm 5 người. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, chỉ cung cấp thông tin 3 người trên, 2 người còn lại báo chí đề nghị cung cấp thông tin hoặc xin quyết định phân công chấm thi của Hòa Bình nhưng ông Lương từ chối cung cấp.
Cũng theo tìm hiểu, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT, làm tổ trưởng tổ trắc nghiệm nên ông Vinh được toàn quyền sử dụng nhân lực được giao để phân công cụ thể công việc trong quá trình chấm thi.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn được bổ nhiệm là phó hiệu trưởng của trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy từ 2 năm nay. Trước khi về trường, ông Tuấn là chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hòa Bình, chuyên môn của ông Tuấn là tin học. Hằng năm, đến dịp hè, ông Tuấn được Sở GD-ĐT Hòa Bình huy động về làm thi. Ngày 1-8 vừa qua, trường chính thức hết lịch nghỉ hè. Khi điểm danh, không thấy ông Tuấn, hỏi những người liên quan trong trường, chúng tôi được biết ông Tuấn vẫn chưa trả phép.
Trước đó, ngày 2-8, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, xác nhận thông tin công an đã vào cuộc xác minh dấu hiệu bất thường trong chấm thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh này.
Trước đó, thống kê dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao bất thường về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên các môn toán, lý, hóa cũng như số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.
Ở môn toán, Hòa Bình có 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%; trong khi các thành phố lớn như Hà Nội là 0,1%, TP HCM là 0,04%. Bên cạnh đó, số lượng điểm 9 trở lên ở môn toán của tỉnh Hòa Bình tương đương với số điểm 9 trở lên của TP HCM và cao gấp 2,3 lần số điểm 9 trở lên của Nam Định, một tỉnh có truyền thống học tập tốt.
Ngoài ra, nếu xét theo khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn 9 điểm thì Hòa Bình cũng "đóng góp" 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%. Hòa Bình cũng là một trong những tỉnh có số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên, cao vượt trội so với các tỉnh, TP khác như Hà Nội (4 thí sinh, chiếm 4,88%), TP HCM và Nam Định (mỗi nơi 2 thí sinh, chiếm 2,44%). Ở khối C03 (toán, ngữ văn, lịch sử), cả nước chỉ có 10 trường hợp thí sinh có mức điểm trên 27 thì Hòa Bình có 2 thí sinh. Ở khối D09 (toán, lịch sử, ngoại ngữ), cả nước có 10 thí sinh có mức điểm trên 27 điểm thì Hòa Bình có 4.
Đáng chú ý, khi trung bình điểm thi môn toán của Hòa Bình nằm trong tốp thấp nhất cả nước với 3,7 điểm, thấp hơn rất nhiều với mức trung bình chung của cả nước là 4,86. Trong khi đó, Nam Định có điểm trung bình môn toán cao nhất, TP HCM xếp thứ 2 còn Hà Nội xếp thứ 10.
Ngay sau khi có thông tin trên, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, khẳng định bài thi của học sinh trên địa bàn là khách quan, trung thực, không có gì bất thường cả và sẵn sàng mời Bộ GD-ĐT về thanh, kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài thi.
Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng đã cử 1 tổ về Hòa Bình chấm thi và không phát hiện ra vấn đề gì bất thường. Cụ thể, hội đồng chấm thẩm định rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8,0 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định cho thấy 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình đã công bố ngày 11-7
Bình luận (0)