Những em sai phạm một lần hoặc vài lần, nhà trường, thầy cô giáo chỉ cần nhắc nhở, nhẹ nhàng. Những em vi phạm nhiều lần, có tính hệ thống thì bị phê sổ đầu bài, phê bình, khiển trách trước lớp, trước cờ, mời phụ huynh đến trao đổi, phối hợp…
Có thể nói, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định không vi phạm đạo đức nhà giáo (năm 2008) thì ý thức, đạo đức, cách ứng xử của giáo viên đối với học sinh nhìn chung có chuyển biến, bớt đi nhiều tình trạng thầy cô la mắng, thậm chí đánh học sinh. Tuy vậy, thời gian gần đây, ở một số địa phương vẫn xảy ra vài vụ việc giáo viên hành hung, đánh học sinh gây thương tích khiến dư luận xã hội lo lắng, bức xúc.
Cũng vì mục đích giáo dục, mong muốn tập thể lớp, các học sinh mà mình chủ nhiệm, giảng dạy ngày một tiến bộ, tốt lên, ngoài biện pháp giáo dục, nhắc nhở, động viên, nhiều thầy cô hiện nay vẫn duy trì một số hình thức phạt. Trong giờ, học sinh gây mất trật tự nhiều lần thì bắt đứng tại chỗ hoặc đứng ở góc bảng đến hết tiết dạy. Em nào không thuộc bài, dưới điểm trung bình, thầy cô yêu cầu về nhà chép phạt. Em nào vi phạm nội quy nhà trường bị mức phê bình trở lên, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ trực nhật, dọn vệ sinh lớp học cả tuần. Có giáo viên còn “ sáng kiến” nộp quỹ lớp đối với các em mắc lỗi, mỗi lỗi 1.000 đồng…
Phạt một vài em nhưng lại có tác dụng răn đe các học sinh khác. Nhờ thế, phong trào, thi đua, kỷ cương của lớp thêm ổn định, nền nếp, nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu giáo viên lạm dụng các hình thức phạt vạ học sinh sẽ không còn hiệu quả và tính răn đe. Trúng học sinh cá biệt, chây lười, ý thức kém, bất chấp, thách thức “lệnh phạt” thì coi như giáo viên gặp khó. Một số đồng nghiệp của tôi từng chào thua trước một vài em cá biệt - bảo đứng lên góc bảng nhưng vẫn ngồi trơ trơ; yêu cầu về nhà chép phạt nộp cho thầy vào tiết dạy sau, có học sinh đáp lại ngay: “Em không chép phạt, thầy làm gì được nào!”…
Có em do tố chất, năng lực học tập còn hạn chế, dường như môn nào, lần nào giáo viên gọi lên kiểm tra bài cũ đều không thuộc. Nếu thầy cô lại liên tục và thường xuyên áp dụng chép phạt mấy ngàn lần là điều không nên, dễ tạo áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi cho em đó, vì lo chuyện chép phạt mà sao nhãng việc học hành.
Là người trong cuộc, tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô trong sứ mệnh giáo dục con trẻ hôm nay. Mỗi em một hoàn cảnh, một tâm tính. Mỗi giáo viên có những cách thức giáo dục riêng của mình. Thầy cô giáo nên cẩn thận, cân nhắc trong việc sử dụng cách phạt đối với học sinh để giúp các em ý thức được lỗi của mình là không hay, không đẹp và để các em dần sửa đổi, hoàn thiện.
Bình luận (0)