Dự thảo Nghị định quy định về chính sách tín dụng và hoàn trả vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm (SP) quy định mức vốn cho vay phải bảo đảm đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên SP trong toàn khóa học, cụ thể là mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học và vay sinh hoạt phí: để chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo, tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học.
Chấm dứt một chính sách bất công
Nghị định quy định học sinh, sinh viên ra trường làm trong ngành SP tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng SP. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên không công tác trong ngành SP sẽ phải thực hiện hoàn trả khoản vay và lãi suất của khoản vay tín dụng.
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP HCM, là người đã nhiều lần lên tiếng đề nghị bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên SP bởi đây là sự bất công lớn. Ông Dũng cho biết mỗi năm, nhà trường nhận được từ 5-8 tỉ đồng cấp bù kinh phí đào tạo các ngành SP. Trong 10 năm qua, nhà trường phải bù lỗ để đào tạo hoàn toàn miễn phí đối với các sinh viên theo học 13 chương trình SP của trường với số tiền mỗi năm 30 tỉ đồng. Việc nhà trường lấy tiền học phí của những sinh viên các ngành khác nuôi sinh viên SP cũng là bất công. Bên cạnh đó, hiện nay đối với các ngành SP kỹ thuật, nhà trường cấp cho sinh viên tốt nghiệp 2 bằng: kỹ sư và SP kỹ thuật. Vì vậy, 90% sinh viên giỏi đều ra làm cho các công ty. Nhà trường không chế tài được những sinh viên này.
TS Nguyễn Cam, nguyên giảng viên Khoa Toán Trường ĐHSP TP HCM, cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên SP có tác dụng tốt nhất trong khoảng 3 khóa đầu tiên, khi đó chính sách này là "bãi đáp" cho những học sinh giỏi, đặc biệt ở những vùng quê khó khăn tìm đến. Khi đó, chất lượng đội ngũ giáo viên rất tốt. Về sau, những lực cản của xã hội làm triệt tiêu tác dụng của chính sách nên lẽ ra phải bỏ từ lâu.
Vẫn khó khăn chồng chất
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP HCM, cho biết các trường SP được cấp kinh phí nhỏ giọt (thấp hơn nhiều so với các trường thu học phí), đầu tư cơ sở vật chất của nhà nước cho các trường SP gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí cấp từ nhà nước nên gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo cho "ra ngô ra khoai" được.
Ngoài ra, chính sách miễn học phí cho sinh viên SP không còn là chất kích thích khi thu nhập của giáo viên thấp hơn các ngành nghề khác, cơ hội tìm việc làm lại càng khó.
Số liệu thống kê được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 4 cho biết cả nước hiện còn khoảng hơn 40.000 cử nhân SP chưa có việc làm. Trong số đó, có khoảng 50% (20.000 cử nhân) vẫn đang chờ cơ hội để vào ngành SP, còn lại có thể đã chuyển ngành nghề khác.
Theo TS Nguyễn Cam, các trường SP đang rơi vào khó khăn do không hấp dẫn người học. Để "cứu" ngành giáo dục, hơn lúc nào hết, việc đào tạo giáo viên cần có cơ chế hợp lý, ổn định hơn. Đó là việc đào tạo phải theo kế hoạch chứ không thể để tự phát, phải gắn đào tạo với bổ nhiệm. Cơ chế tuyển dụng phải công bằng, hợp lý để khuyến khích người tài và chính sách đãi ngộ xứng đáng với khẩu hiệu "giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Vay để đầu tư vào lĩnh vực lương cao
TS Nguyễn Cam cho rằng chính sách cho vay tín dụng để đóng học phí không có tác dụng nhiều trong việc kích thích sinh viên SP giỏi nhưng khó khăn về kinh tế theo nghề SP mà hơn hết là cần cơ chế hợp lý và ổn định. Ở các ngành nghề khác, người lao động được hưởng lương thỏa đáng theo năng lực thì lương cho giáo viên vẫn xơ cứng. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai nên dù nghèo, người dân vẫn đi vay tín dụng để đầu tư vào những lĩnh vực có cơ hội hưởng lương cao chắc chắn có lời hơn đầu tư vào làm giáo viên lương thấp lại khó tìm việc làm.
Bình luận (0)