Nhiều học sinh ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu một buổi đi học, một buổi ra biển bắt ốc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: Duy Nhân
Lo ăn chưa xong, học hành làm gì!
Năm học 2011-2012, Bạc Liêu có 1.180 HS cấp THCS và 800 em bậc THPT bỏ học, còn số HS tiểu học rơi vào tình trạng này thì không thống kê xuể. Vì vậy, vào đầu năm học mới 2012-1013, ngành GD-ĐT tỉnh này luôn đau đầu tìm cách kéo HS đến trường.
Chúng tôi đến cửa biển 30-4, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, nơi có tỉ lệ người mù chữ và bỏ học đứng đầu Bạc Liêu, thậm chí cả ĐBSCL. Ông Trần Văn Phi, Phó Ban Nhân dân ấp 14, xã Vĩnh Hậu, chua chát: “Ít nhất 40% người dân ở đây không biết chữ. Nhiều lần làm thủ tục vay tiền ngân hàng, cứ 100 người thì có đến 60 người ký tên bằng cách quẹt chữ thập. Ở ĐBSCL, có lẽ không ở đâu có HS bỏ học nhiều như vùng này. Tất cả đều do gia đình quá nghèo khó, cha mẹ phải tận dụng sức lao động của trẻ con để mưu sinh”.
Nghe chúng tôi hỏi đến việc học hành của con cháu nhà mình, bà Lý Thị Pol, ngụ xã Vĩnh Hậu, vô tư: “Nghèo quá, miếng ăn còn lo chưa xong, học hành làm gì!”. Bà Pol có 11 người con, hầu hết không được đi học đã đành, nay tới đám cháu cũng không đứa nào biết chữ. Chỉ đứa cháu nội 9 tuổi tên Tạ Đum, bà Pol phân bua: “Mỗi lần chính quyền đến vận động, tôi cũng ép đi học nhưng nó không chịu, bảo cha chú, anh chị và bạn bè không cần đến lớp vẫn bắt được ốc, mò được cua”!
Kéo được trẻ đến trường đã “chua”, giữ các em thường xuyên đi học cũng gian truân không kém. Một giáo viên ở xã Vĩnh Hậu rầu rĩ: “HS ở đây phần lớn đi học một buổi, buổi còn lại ra biển bắt ốc phụ giúp gia đình. Gặp nước lớn thì lớp đông HS nhưng những hôm nước xuống, các em nghỉ gần hết để đi bắt ốc. Vắng nhiều ngày, không theo kịp chương trình là các em sẵn sàng nghỉ học luôn”.
Ông Trần Văn Phi giới thiệu danh sách những đứa trẻ được hỗ trợ gạo ở ấp mình. “Nhờ sự giúp đỡ của mạnh thường quân, chính quyền đã xét hỗ trợ cho 12 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 10 kg gạo/em/tháng. Nhờ vậy, cả 12 em này vẫn còn đi học. Tuy nhiên, chính quyền không có nguồn để hỗ trợ vài trăm suất cho cả xã nên đành nhìn các em bỏ học” - ông buồn bã.
Nhà khá giả cũng nghỉ học
Những ngày qua, một trong những việc quan trọng đối với giáo viên Trường THCS Kim Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An - Phú Yên là vận động HS ra lớp. Theo thầy hiệu trưởng Lê Văn Lai, các năm trước, cứ sau mỗi mùa hè, trường lại mất một lớp vì HS bỏ học. “Chúng tôi phải kiên trì vận động, chỉ cần lơ là thì tình trạng HS bỏ học lại như cũ”- thầy Laicho biết.
Chúng tôi cùng các giáo viên Trường THCS Kim Đồng đến vận động Huỳnh Phi Hoàng ở xóm Cát, xã An Hải, đang học lớp 9, trở lại trường khi em đang chuẩn bị... đi câu mực. Giáo viên chưa kịp mở lời, Hoàng vội lên tiếng: “Em đã nói rồi, học không được. Ở nhà đi biển câu mực sướng hơn mà lại có tiền”. Bà Nguyễn Thị Dung, mẹ Hoàng, lắc đầu: “Nó không muốn học thì chịu thôi”.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, đa số HS ở đây bỏ học rơi vào lứa tuổi từ lớp 8 đến lớp 10, khi đã có thể đi biển để kiếm tiền. “Có một điều lạ là nhiều HS nghỉ học không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ học rồi sau này cũng chẳng làm gì, thôi thì cho con ở nhà đi biển kiếm tiền” - ông Danh trăn trở.
Ông Trần Văn Thạch, Phó Phòng Giáo dục huyện Tuy An, cho biết nhiều xã miền biển của huyện cũng có tỉ lệ học sinh bỏ học cao. “Nhà nghèo nghỉ học đã đành, nhà khá giả cũng cho con nghỉ học! Chúng tôi phải cố gắng lắm mới mong giữ được sĩ số HS trong năm học này”- ông Thạch lo ngại.
Chân trần, tay không đến lớp
Trong khi đó, bất chấp nghèo khó, nhiều HS ở huyện Đăk Rông - Quảng Trị vẫn quyết tâm đến lớp. Mùa tựu trường cũng là mùa mưa ở xã Ba Nang, huyện Đăk Rông. Khi chúng tôi đến Trường Tiểu học Ba Nang, thầy cô ở đây bảo nên vào điểm trường ở bản Ngược, bản Tà Mên mới thấy được hết nỗi cơ cực của HS. Hai bản này nằm cách trung tâm xã Ba Nang hơn 10 km, đường rất khó đi bởi những con dốc dựng đứng đầy sình lầy.
Sau gần 3 giờ vừa đi xe máy vừa dắt bộ, chúng tôi đến điểm trường Tà Mên. Cũng như nhiều bạn bè, em Hồ Thị Thanh Hóa, lớp 3, đến lớp với đôi chân trần lấm lem bùn đất, quần áo cũ nhàu ướt sũng. Ngồi cạnh Hóa, em Hồ Văn Bon chỉ có độc bộ áo quần đã vá vài chỗ để mặc đi học... “Gia đình mình có đến 5 con, đều ráng lo cho đi học hết. Nhà quá nghèo, chẳng mua nổi sách vở, huống gì áo quần” - mẹ của Bon thổ lộ.
Đi thêm 5 km, chúng tôi tới điểm trường bản Ngược. Gọi là trường nhưng 3 lớp học ở đây rất tạm bợ với tường nứa, mái tôn trống hoác. Nhiều HS đến lớp tay không vì chẳng có sách vở, bút viết. Trời mưa, gió thổi mạnh, các em ngồi học mà cứ giật thót khi những vệt nước tạt vào người. Đến giờ làm bài tập, HS nhìn nhau ngơ ngác. Thầy Lê Hùng phải xén từng trang giấy của mình, lấy bút đưa cho các em chuyền tay nhau làm bài.
“Nhà nghèo khó nên cha mẹ không thể mua sách vở, giày dép, áo quần cho các em. Hầu như sau buổi học, các em đều phải lên nương để giúp cha mẹ mưu sinh. Tuy nhiên, có nhiều gia đình như cha mẹ em Hồ Văn Đêm, dù nhà rất nghèo, lại có đến 6 con nhưng vẫn quyết cho ăn học” - thầy Hùng xúc động.
Bình luận (0)