Cuốn sách của GS Nguyễn Đức Tồn dính nghi án đạo văn
Ngày 18-5, một lãnh đạo của Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) Nhà nước cho biết đã chính thức có văn bản yêu cầu Hội đồng Chức danh GS ngành ngôn ngữ học phải rà soát, báo cáo về vụ GS Nguyễn Đức Tồn.
Theo lãnh đạo này, vì đây là danh dự của một con người nên việc rà soát phải tiến hành thận trọng trên cơ sở phân tích các chứng cứ đánh giá chuyên môn. Hội đồng ngành sẽ rà soát toàn bộ thông tin liên quan đến vụ việc, họp hội đồng và thẩm định các chứng cứ để kết luận GS Tồn có "đạo văn" hay không. Sau khi có báo cáo của hội đồng ngành, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước sẽ họp thảo luận và đưa ra kết quả xử lý.
Trước đó, GS Nguyễn Đức Tồn, nguyên viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, bị tố cáo là đã "đạo" nhiều nội dung trong luận văn, luận án và bài viết của chính học trò mình hướng dẫn và những đồng nghiệp thế hệ sau.
GS Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành ngôn ngữ học, khẳng định việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn của học trò là có thật. GS Thêm cho rằng nội dung cuốn sách của ông Tồn đúng từng câu từng chữ, trong suốt hơn 100 trang với nội dung các luận văn, luận án, bài viết của học trò đã bảo vệ, công bố trước đó. Việc "đạo văn" đã khiến ông Nguyễn Đức Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét GS không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì "tinh thần nhân văn và lòng vị tha".
"Tôi được biết vào năm 2002, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng Chức danh GS cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học và hình như do chuyện đạo văn này mà đã không được thông qua. Năm 2006, ông Tồn nộp hồ sơ ở Hội đồng Chức danh GS cấp cơ sở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, hội đồng trường này cũng có thảo luận chuyện đạo văn này nhưng hồ sơ của ông Tồn đã đạt đủ số phiếu để thông qua.
Khi hồ sơ đưa lên Hội đồng Chức danh GS ngành, hội đồng đã giao cho tôi (ủy viên hội đồng) làm trưởng nhóm cùng với GS Nguyễn Đức Chính và GS Bùi Minh Toán thẩm định 2 đơn thư nặc danh tố cáo ông Tồn đạo văn trong cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt" (sao chép luận án phó tiến sĩ của Nguyễn Thuý Khanh) và cuốn"Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường" (sao chép bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà)" - GS Thêm kể lại. Cũng theo GS Thêm, do thời gian làm việc chỉ có 1 đêm nên nhóm quyết định tạm thời chỉ thẩm định cuốn "Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc".
GS Thêm cho hay đối chiếu các tài tiệu, nội dung các trang trong chương I luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thuý Khanh hoàn toàn trùng khít đến từng câu, từng đoạn với những câu, đoạn trong sách của GS Tồn.
GS Thêm kể thêm, năm 2006, hồ sơ của ông Tồn đã không được Hội đồng Chức danh GS ngành thông qua. Đến năm 2009, Hội đồng Chức danh GS cơ sở Trường ĐH KHXH và NV Hà Nội lại thông qua hồ sơ của ông Tồn một lần nữa. Hội đồng Chức danh GS ngành năm 2009 đã cử một tổ công tác thẩm định 2 đơn thư nặc danh khiếu nại ứng viên Nguyễn Đức Tồn. Sau đó, các thành viên đã có ý kiến cho rằng "ông Tồn có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua, 2 lần hồ sơ không được thông qua" và "không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời". "Mặt khác, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn vừa mới được Viện KHXH Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Để bổ nhiệm, Viện KHXH chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này. Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn đã được thông qua với số phiếu 10/10", GS Thêm cho biết.
Bình luận (0)