Hàng chục giáo viên ở các trường tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Sóc Sơn trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những bức xúc và thiệt thòi mà họ phải gánh chịu.
Ngày 1-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội về đơn kêu cứu của 256 giáo viên hợp đồng bậc tiểu học và trung học cơ sở tại huyện Sóc Sơn, có thâm niên công tác từ 5 đến 27 năm, có nguy cơ mất việc nếu họ không vượt qua được kỳ thi tuyển viên chức tới đây; và họ cho rằng như vậy là không công bằng và bất nhẫn.
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc".
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng trước việc họ bắt buộc phải tham gia thi tuyển viên chức tới đây theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với quy định tại Nghị định 161 nêu trên, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên xét đặc cách tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa. Do đó, 256 giáo viên hợp đồng không đăng ký thi, hoặc thi trượt, sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng.
Các giáo viên cho rằng việc bắt họ phải thi tuyển viên chức, trong khi họ đã cống hiến ít nhất là 5 năm, nhiều nhất là 27 năm là bất công và bất nhẫn.
256 giáo viên khẳng định trong quá trình giảng dạy, có nhiều người là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; nhiều giáo viên đã đào tạo được rất nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố...Và họ cho rằng khoảng thời gian dài phấn đấu với những thành tích đã đạt được chính là những điểm số, là minh chứng khách quan nhất, chân thực nhất, rõ ràng nhất chứng minh năng lực, đạo đức nghề nghiệp trước học sinh, đồng nghiệp cũng như trước ban giáo khảo của cuộc thi.
"Vậy, chúng tôi có cần phải trải qua cuộc thi sát hạch vài giờ đồng hồ hay không? Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, tạo cho chúng tôi một cơ chế nhân văn, đó là xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do"- các giáo viên kiến nghị.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - ông Vũ Minh Đức, vừa ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị xem xét, hỗ trợ 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định hiện hành của Chính phủ về thi tuyển viên chức để đảm bảo có đội ngũ giáo viên chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết.
Tuy nhiên, cần xem xét trong điều kiện cụ thể. Vì vậy trong văn bản của mình, bên cạnh một số đề xuất, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND TP, giám đốc Sở Nội vụ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt; tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên; là cán bộ công đoàn và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)