Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tới các nhà giáo lão thành, các thầy cô giáo và các sinh viên của Học viện. Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương những thành tựu to lớn mà Học viện đã đạt được trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội trong suốt 65 năm qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách và khoa học công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch nước nêu rõ Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng và mong muốn Học viện tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, luôn là niềm tin, là nơi có đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nền nông nghiệp bền vững, sinh thái, hàng hóa giá trị cao, xây dựng nông thôn mới, hình thành tầng lớp nông dân văn minh, theo đúng tinh thần của Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch nước đề nghị Học viện cần quan tâm đầu tư, bồi dưỡng và chăm lo đời sống của đội ngũ cán bộ, giảng viên. "Tài sản quý giá nhất của Học viện không phải là trường lớp to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng, phương tiện hiện đại mà chính là cán bộ, giảng viên tâm huyết, trí tuệ" - Chủ tịch nước khẳng định.
Nhấn mạnh tinh thần tự chủ đại học phải được hiểu một cách đầy đủ, nhất quán, xuyên suốt từ cơ quan hoạch định chính sách, quản lý và thực thi chính sách…, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, trên tinh thần các trường đại học phải được tự chủ để chủ động học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật cho phép, cải cách mạnh thủ tục hành chính. Học viện phải phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng. Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 12 nhà giáo của Học viện.
* Trong ngày 20-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã đến thăm, chúc mừng các thầy cô giáo của Học viện Ngoại giao nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khánh thành tòa nhà Giảng đường mới của Học viện Ngoại giao.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chúc mừng các thầy cô giáo của Học viện Ngoại giao nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ lòng biết ơn và gửi tới các thế hệ thầy cô giáo của Học viện qua các thời kỳ lời thăm hỏi cùng với lời chúc tốt đẹp nhất. Đồng thời mong các thầy cô giáo luôn là tấm gương tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Ngoại giao đã khẳng định vị trí là cơ sở nghiên cứu - đào tạo đầu ngành về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam và nằm trong danh sách 40 cơ quan học thuật hàng đầu do Chính phủ bảo trợ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Học viện là nôi đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao, cán bộ làm công tác đối ngoại của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế tại các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Học viện Ngoại giao cũng là cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Ngoại giao, có quan hệ hợp tác với hơn 80 trường đại học, cơ quan, tổ chức và mạng lưới hợp tác nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở khu vực cũng như trên thế giới.
Theo TS Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, năm 2021, Học viện đã trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành kiểm định 100% các ngành đào tạo, tạo tiền đề để có thể thực hiện quyền tự chủ về tuyển sinh.
Trên cơ sở đó, bắt đầu từ năm học 2021-2022, Học viện đã thực hiện đề án tuyển sinh với nhiều điểm mới, đột phá so với các năm trước. Đó là tăng mạnh quy mô tuyển sinh từ 500 (năm 2020) lên 1550 (năm 2021) với chất lượng đầu vào cao so với mặt bằng chung, bổ sung nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn, mở thêm chương trình đào tạo mới bên cạnh các ngành truyền thống: Quan hệ quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Ngôn ngữ Anh..., đồng thời, bổ sung lựa chọn các ngoại ngữ mới ngoài các ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung. Dự kiến trong năm 2022, Học viện tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh, mở thêm ngành Luật thương mại và kinh doanh quốc tế, ngành châu Á-Thái Bình Dương với các chuyên ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Hoa Kỳ học và Trung Quốc học.
Bình luận (0)