Giáo viên (GV) khối tiểu học không chỉ tại quận 7, TP HCM mà ở nhiều tỉnh, thành khác không còn xa lạ với nhóm "Hành trang 2018" của một số GV tiểu học tại TP HCM lập ra, do cô giáo Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), làm trưởng nhóm.
Tạo hứng thú
Khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai, trước những băn khoăn của GV, nhất là GV dạy lớp 1 theo chương trình mới, nhóm được lập ra với mong muốn chia sẻ, trao đổi các tài liệu, kinh nghiệm của GV với nhau. Theo cô Hoàng Thụy Bích Thủy, ban đầu chỉ nghĩ dành cho GV TP HCM nhưng lại thu hút rất nhiều GV ở các địa phương khác.
Nhiều học sinh (HS) thích thú khi nhắc đến những giờ học của cô Hoàng Thụy Bích Thủy và các GV Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định. Để tạo nên những giờ học sinh động đó, cô Thủy đã ngày đêm tự tìm tòi, nghiên cứu và hướng dẫn lại cho các GV khác. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM, HS phải kết thúc năm học trước thời hạn, cô Thủy đã trăn trở làm sao để việc dạy và học không thể vì dịch mà tạm dừng. Nghĩ là làm, cô lại tự học hỏi thêm để mở những buổi tập huấn GV cách giảng dạy trên nền tảng Zoom và Google Meet, làm sao để tạo được giờ học thú vị. Cô Thủy quan niệm công nghệ thì mênh mông, làm sao để GV có thể tận dụng và biết sử dụng công nghệ cho bài giảng của mình. "Nghe thì tưởng đơn giản nhưng để có thể tập huấn được cho GV thật tốt, tôi bắt đầu "thí nghiệm" với một nhóm GV trong trường mình, sau đó nhờ luôn cả các HS cũ đã ra trường để có trải nghiệm thực tế tốt nhất. Sau khi thử nghiệm ở cấp độ nhỏ, mới tiến hành tập huấn cho GV tiểu học toàn quận 7 và GV một số quận - huyện, tỉnh - thành khác. Có cả GV khối mầm non tham gia" - cô Thủy nói.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An
Trước yêu cầu "sống còn" của một tiết học trực tuyến là làm sao thu hút HS, kéo các em ngồi trước màn hình mà không chán nản, cô Thủy cho biết 3 từ "tạo hứng thú" là 3 từ GV nên lấy làm nguyên tắc đầu tiên để xây dựng bài giảng. Để làm được điều đó, cô Thủy mày mò, tìm kiếm và hướng dẫn các GV khai thác những hệ sinh thái trên Microsoft, đó là các phần mềm dạy học, các ứng dụng trò chơi để tạo hứng thú cho HS, cách thiết kế một bài giảng cơ bản thế nào. "Một tiết học trực tuyến tối đa chỉ 35 phút nhưng vẫn cần bảo đảm 3 phần là: khởi động/trò chơi trong vòng 5 phút, khám phá/luyện tập trong 25 phút và vận dụng trong 5 phút. Từng phần sẽ có những ứng dụng công nghệ nào để GV áp dụng vào bài giảng của mình, cách kiểm soát thời gian chơi và học của HS ra sao" - cô Thủy cho biết.
Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, chia sẻ bản thân từng trải nghiệm những giờ học do cô Thủy tập huấn và thấy rất thú vị, bổ ích. Ngoài việc thu hút, giúp đỡ HS, thổi hồn vào từng bài giảng, cô Hoàng Thụy Bích Thủy còn giúp đội ngũ GV trong ngành ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là nâng cao năng lực giảng dạy trực tuyến.
Học văn không rơi vào... không trung
"Ankipedia" là biệt danh nhiều thế hệ HS Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM) đặt cho cô Văn Trịnh Quỳnh An - GV môn ngữ văn của trường. Để học văn không là nỗi ác mộng của HS, nhất là trong giai đoạn học trực tuyến, cô An xác định chính người thầy phải tự thay đổi mình, tự làm mới mình để thu hút HS. Theo cô An, trước tiên, GV cần xác định học trực tuyến không phải là giải pháp tạm thời, không dạy cầm chừng để đợi học trực tiếp ôn lại. Theo cô, khi GV chủ động, HS mới có thể chủ động. "Tôi ưu tiên việc giao nhiệm vụ học tập cho HS để các em có thể tìm hiểu trước bài học ở nhà: phiếu học tập, bài tập nhóm, hoàn thiện sơ đồ tư duy, dự án nhỏ… Trên lớp, GV tận dụng những ưu thế của công nghệ như các trò chơi online, xem clip, tính năng chia sẻ bảng trắng hay ghi âm bài giảng… Vì vậy, trong các tiết học, đa số HS đều nỗ lực làm việc và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ học của mình" - cô An nói.
Cô Hoàng Thụy Bích Thủy
Theo cô Văn Trịnh Quỳnh An, với đặc thù là môn văn lại học trực tuyến, một thách thức là giáo viên làm sao vượt qua cảm giác "nói vào không trung" của chính mình vì dễ hụt hẫng do có thể thiếu vắng sự tương tác trực tiếp khi giảng bài. Đặc thù của môn văn là một môn nghệ thuật ngôn từ, vì vậy bên cạnh các hoạt động của HS thì lời giảng của GV đóng vai trò khá quan trọng để dẫn dắt các em khám phá cái hay của chữ nghĩa nên GV phải luyện tập. Để làm được điều đó, cô giáo trẻ đã không quản ngại luyện tập bằng cách tự ghi âm rồi nghe lại lời giảng của mình. "Bản thân thấy ổn thì mới có thể hy vọng thu hút được học trò" - cô An cho hay.
Năm học mới và được phân công công tác chủ nhiệm nhưng vì dịch bệnh nên chưa thể gặp mặt HS trực tiếp, cô giáo trẻ Văn Trịnh Quỳnh An đã tận dụng lợi thế mạng xã hội. "Chưa được gặp HS lớp chủ nhiệm mới, GV có thể nỗ lực tương tác thông qua mạng xã hội để tạo sự kết nối về cảm xúc. Tôi thích nói chuyện với HS qua mạng xã hội để "xa mặt nhưng không cách lòng". Sự quan tâm, cho dù trên mạng ảo, vẫn là thật. Nếu GV xây dựng mối quan hệ tốt với HS trên mạng xã hội thì có thể xóa bỏ cảm giác xa lạ khi dạy và học trực tuyến" - cô An chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-11
Kỳ tới: Thầy cô nâng bước trên mọi nẻo đường
Bình luận (0)