Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sáng 27-3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết khi nói về giáo dục, y tế và mở rộng ra là lĩnh vực văn hóa-xã hội của TP HCM, thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND TP, hiện dân số TP HCM trên hệ thống quản lý là hơn 10 triệu người, nhưng thực tế là hơn 13 triệu người.
Dẫn chứng về những khó khăn đang gặp phải, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố đã xây dựng đề án tự chủ trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhưng trước thời điểm dịch COVID-19 thì còn có thể thực hiện được nhưng sau dịch rất khó khăn vì không nguồn thu, nhiều đơn vị thực hiện tự chủ nhưng chỉ có thể đảm bảo trả được mức lương theo mức lương cơ sở.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc
Ông Phan Văn Mãi cho biết, xét theo tiêu chuẩn ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), thành phố còn thiếu 5.000 phòng học, nhưng xét theo mục tiêu đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) vào năm 2025 thì TP còn thiếu tới 8.000 phòng học.
Nếu tính chi phí xây mỗi phòng học từ 1,5-1,6 tỉ đồng/phòng thì kinh phí xây 8.000 phòng là số tiền rất lớn. Cá biệt, có những địa phương như huyện Bình Chánh, dù tiêu chuẩn mỗi trường không quá 30 lớp, sĩ số không quá 35 học sinh/lớp nhưng có những trường tại đây có hơn 90 lớp học, sĩ số trên 50 em/lớp.
Đây là thực tế đòi hỏi thành phố phải tháo gỡ. Chẳng hạn người dân có đất nhưng không muốn chuyển mục đích sử dụng từ đất ở sang đất xây trường vì mục đích sử dụng đất ở giá trị cao hơn. Thực tế, có nhiều nhà đầu tư cũng đã đặt vấn đề với thành phố về xây trường, lớp...
"Vấn đề quy hoạch, bố trí đất đai là thuộc thẩm quyền thành phố nhưng luật, cơ chế, chính sách là phạm vi của Quốc hội, Trung ương nên những điều này đòi hỏi phải tháo gỡ để huy động các nguồn lực xã hội hóa, vì thành phố dù có tiền cũng không đủ để xây 8.000 phòng học vào năm 2025" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, liên quan đến việc lựa chọn SGK, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cũng cho biết hiện quy định phải đưa ra danh mục lựa chọn SGK trước 5 tháng so với ngày khai giảng, tức đầu tháng 4 phải có danh mục SGK đang tạo áp lực lớn cho cơ sở phổ thông.
Sở GD-ĐT TP HCM đã kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định thời gian đưa ra danh mục lựa chọn SGK trước ngày khai giảng 3 tháng để các nhà xuất bản có đủ thời gian in ấn và phát hành SGK. Trong đó, tinh thần chọn sách không xác định một bộ sách chủ lực, các bộ sách còn lại tham khảo mà trao quyền chủ động cho các cơ giáo dục lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị.
Bình luận (0)