Sáng 27-3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, đã có buổi làm việc với TP HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tham dự buổi làm việc còn có ông Đỗ Văn Chiến – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Làm việc với đoàn, phía TP HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.
Bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết TP luôn dành sự ưu tiên, đầu tư cho giáo dục. Ngành GD-ĐT TP từng bước giảm sĩ số học sinh/lớp và tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Trong năm 2022, tỉ lệ số phòng học/ vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) đạt 294 phòng học.
Báo cáo của TP HCM cũng cho biết chất lượng giáo dục cùng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng cao. TP luôn tiên phong thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non.
UBND TP đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới cũng như điều kiện cụ thể của nhà trường và các khả năng tiếp thu của học sinh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc
Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt; sách giáo khoa không biên soạn theo tiết như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể.
Về sách giáo khoa của chương trình mới, lãnh đạo TP đánh giá nội dung phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của chương trình mới, phù hợp với đối tượng học sinh. Sách giáo khoa được viết theo hướng mở, tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng và tổ chức dạy học linh hoạt, đặc biệt là hệ thống bài tập.
Về giá sách giáo khoa mới, lãnh đạo TP đánh giá về cơ bản là phù hợp với điều kiện của kinh tế, xã hội của địa phương, mức sống của người dân. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục huy động nhiều nguồn lực, nhất là các nguồn xã hội hóa để mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng, tặng sách cho học sinh.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo tại buổi làm việc
Từ đó, TP HCM đã có những đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày, cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên), ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới.
TP HCM cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT các bộ có liên quan có văn bản hướng dẫn liên bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí, bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới, để Sở GD-ĐT có căn cứ đề xuất các địa phương cấp bổ sung kinh phí, dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo thành phố.
Chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông. Cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học; đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế, chế độ riêng cho giáo viên hai môn này để thu hút, giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.
Có thêm các chính sách ưu đãi, cụ thể là đất đai và thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện chương trình mới.
Bình luận (0)