Hiệu trưởng các trường THPT chuyên, trường có lớp chuyên ở TPHCM cho rằng đa số học sinh (HS) vào lớp chuyên chỉ để tạo đà đi du học và tạo lợi thế điểm số khi thi vào ĐH. Nhà nước hiện nay chưa có chính sách, hoạch định để tạo điều kiện cho HS chuyên phát triển năng khiếu của mình.
Cũng như các trường chuyên khác trong cả nước, việc tuyển sinh vào các lớp chuyên ở TPHCM nhiều năm nay vẫn được thực hiện bằng cách tổ chức cho HS thi chung 3 môn văn, toán, ngoại ngữ và thi riêng môn chuyên. Căn cứ theo quy chế và chỉ tiêu tuyển sinh, các trường sẽ chọn được HS vào lớp chuyên. Song, hiệu trưởng các trường THPT chuyên lẫn không chuyên cho rằng tuyển sinh vào lớp chuyên chỉ bằng cách tổ chức thi 4 môn như hiện nay là có nhiều khiếm khuyết.
Nguyên hiệu trưởng một trường THPT chuyên ở TPHCM cho rằng trường THPT chuyên không thể làm được nhiệm vụ phát hiện HS có năng khiếu bởi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên hiện nay vẫn theo hình thức thi 4 môn. Theo vị này, muốn chọn được HS năng khiếu phải trên cơ sở đánh giá toàn diện, bằng nhiều công cụ. Cách tuyển sinh như hiện nay chưa hợp lý, chưa khoa học và không thể đánh giá hết năng lực của HS. Những năm qua, chỉ khoảng 30% HS có năng khiếu thật sự ở lớp chuyên mà các em đang học.
Theo một hiệu trưởng khác, việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cần được bắt đầu từ những bậc học thấp hơn và qua một quá trình theo dõi lâu dài chứ không phải làm đứt quãng ở bậc THPT, cho đến khi vào ĐH thì tất cả đều như nhau.
Một trong những mục tiêu của đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6-2010 là tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo ở ĐH; lựa chọn HS có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của những trường ĐH chất lượng cao trong nước và trường ĐH có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu. Đến năm 2015, có khoảng 30% HS lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của trường ĐH trong nước và trường ĐH có uy tín ở nước ngoài, đạt 50% vào năm 2020.
Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường THPT chuyên và không chuyên cho biết mục tiêu này đến nay chưa được thực hiện. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM, cho rằng HS chuyên ở bậc THPT lên ĐH hiện chưa có sự liên thông. Vào ĐH, HS chuyên và không chuyên học giống nhau do chưa có một chính sách, cơ chế đặc thù nào để phát triển những HS chuyên, đặc biệt là các em có năng khiếu nổi bật.
Trong khi đó, theo ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - TPHCM, đang có sự lãng phí lớn trong việc đào tạo HS chuyên. Nhiều HS chuyên khi vào ĐH đã học những ngành chẳng liên quan gì đến môn chuyên. Bà Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - TPHCM, nhìn nhận HS chuyên đi vào con đường chuyên sâu ở ĐH là rất hiếm vì chưa có chính sách, hoạch định để tạo điều kiện cho các em phát triển. HS đi vào lớp chuyên hiện nay chủ yếu là tạo lợi thế khi thi ĐH.
TPHCM xây dựng đề án mới Hiệu trưởng 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa cho biết đang xây dựng đề án phát triển trường chuyên theo đề nghị của Sở GD-ĐT TPHCM. Trong đề án này, ngoài việc kiến nghị những chính sách ưu đãi cho giáo viên và HS, 2 trường sẽ đề xuất cơ chế liên thông trong đào tạo để những HS chuyên xuất sắc có môi trường phát triển chuyên sâu. |
Bình luận (0)