xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đào tạo chuyên: Lãng phí lớn

HUY LÂN

Hàng ngàn tỉ đồng ngân sách đã và sẽ tiếp tục dành cho việc đào tạo học sinh chuyên nhưng đó là sự đầu tư lãng phí khi những học sinh này không được tiếp tục bằng chương trình chuyên khác

Là học sinh (HS) lớp 12 chuyên vật lý của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) nhưng Huỳnh Hoàng Anh đang tất bật ôn toán, hóa, sinh để thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Với Hoàng Anh, việc học chuyên lý đơn giản chỉ vì em thích và có khả năng học tốt ở môn học này.
 
img
Học sinh lớp12 chuyên Trường THPT Trần Đại Nghĩa - TPHCM trong giờ học
Ảnh: TẤN THẠNH

Bất cập trong đào tạo

Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết việc tuyển sinh vào trường, lớp chuyên dù chỉ thi 4 môn như ở TPHCM phần nào đã chọn đúng được đối tượng HS. Nội dung chương trình chuyên nghiêng về hướng nghiên cứu rất nặng nhưng nhiều HS vẫn đáp ứng được. Trong các kỳ thi quốc tế, HS chuyên của Việt Nam vẫn giành được giải, trong đó có nhiều huy chương vàng, bạc…

Hiệu trưởng các trường chuyên ở TPHCM cho rằng những HS chuyên nếu có điều kiện tiếp tục học chuyên sâu ở bậc đào tạo sau THPT thì đây sẽ là nguồn nhân lực có trình độ cao. Nhưng đáng tiếc hiện nay, nhiều HS sau khi học chuyên lại rẽ sang hướng khác. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM, cho rằng ở ĐH, HS chuyên và không chuyên vẫn học như nhau do chưa có một chính sách, cơ chế đặc thù nào để phát triển nền tảng học lực của những HS chuyên, đặc biệt là các em có năng khiếu nổi bật. Ông Lâm Triều Nghi cho rằng chính sách dành cho đào tạo chuyên là rất tốt nhưng đang có sự lãng phí lớn do chưa có chính sách cụ thể phát huy được năng lực HS đã được đào tạo chuyên.

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 của Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu xây dựng ở mỗi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ít nhất một trường chuyên có chất lượng đào tạo cao. Đến năm 2015, dự kiến 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường điểm đạt chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 2.300 tỉ đồng.

Không cần trường chuyên?

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010-2020 là tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo ở ĐH; lựa chọn HS có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của những trường ĐH chất lượng cao trong nước và trường ĐH có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu. Đến năm 2015, có khoảng 30% HS lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của trường ĐH trong nước và trường ĐH có uy tín ở nước ngoài, đạt 50% vào năm 2020.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề án phát triển hệ thống trường chuyên giai đoạn 2010-2020 không căn bản và mục tiêu đến nay vẫn còn chưa rõ ràng.

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng mục tiêu của giáo dục phổ thông là trang bị cho HS có được một nền tảng kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ năng sống, từ đó có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn. Vì vậy, sự tồn tại của trường chuyên là không cần thiết. Ngoài ra, trường chuyên được đầu tư rất lớn nhưng lại chỉ đào tạo một tỉ lệ rất nhỏ HS. Trong số đó, nhiều HS sau này rẽ sang hướng khác, việc đầu tư trở nên lãng phí.

Theo TS Nguyễn Kim Dung, thay vì đầu tư cho trường chuyên, ngành giáo dục nên đầu tư theo hướng xây dựng trường chất lượng cao. Ở đó, các trường được đầu tư, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng hệ thống trường chuyên thực tế chỉ là luyện “gà” để đi thi quốc tế. Vì vậy, không nhất thiết phải xây dựng hệ thống trường chuyên mà hãy tạo điều kiện tốt và công bằng cho mọi HS. Ở môi trường đó, các em sẽ phát huy được khả năng
của mình.
 

Nhiều chính sách ưu đãi

Ông Nguyễn Đình Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Quảng Nam, cho biết những HS học trường chuyên, thường trú tại TP Tam Kỳ mỗi tháng được trợ cấp 840.000 đồng, HS thường trú vùng đồng bằng và nông thôn là 1.050.000 đồng, miền núi là 1.250.000 đồng. Ngoài ra, những HS đi học phải trọ ngoài được hỗ trợ 315.000 đồng/tháng. Hiện tại, nhà trường đang xây dựng ký túc xá để bảo đảm chỗ ở cho tất cả các HS nội trú.

Còn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng, cả giáo viên và HS đều được UBND TP phê duyệt chế độ ưu đãi riêng. Cụ thể, giáo viên giảng dạy được hưởng mức lương gấp đôi so với các trường không chuyên, mỗi tiết chuyên được quy đổi thành 2 tiết dạy thường. Ngoài ra, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng thường xuyên được cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài. HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí 260.000 đồng/tháng đối với diện bán trú và 520.000 đồng/tháng diện nội trú. HS còn được hỗ trợ tiền mua đồng phục cũng như văn phòng phẩm mỗi năm.
B. Vân

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo