Nhiều quy định trong Thông tư 29/2009/TTBGDDT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học và Thông tư 14/2011 về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học đã không còn phù hợp với môi trường giáo dục hiện đại, nặng hình thức.
Hiệu trưởng phải... đứng lớp 2 tiết/tuần
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú, TP HCM cho rằng theo quy định của thông tư, mỗi hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần. Theo lý giải, việc đứng lớp này là để hiệu trưởng nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên, có kiến thức chuyên môn thực tiễn. Tuy nhiên, đây chính là quy định hình thức nhất của thông tư.
Theo vị hiệu trưởng nêu trên, không phải bỗng dưng mà học sinh quen với thầy cô giáo bộ môn. Người hiệu trưởng chen ngang vào, dạy phần nào, dạy lớp nào cũng là điều cần tính toán. Trong khi đó, với 2 tiết thì chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, tuy không khó khăn gì nhưng hầu như không ai thực hiện quy định này.
Đồng tình với ý kiến này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4, TP HCM cho biết quy định thì phải thực hiện nhưng giải pháp an toàn nhất là chọn dạy 2 tiết đạo đức cho học sinh. “Chọn như vậy sẽ không phá vỡ lịch dạy, học của giáo viên và học sinh lâu nay. Chính vì quy định mang tính hình thức này mà nhiều trường né bằng cách giờ sinh hoạt của hiệu trưởng dưới cờ cũng được tính vào giờ dạy học theo quy định của bộ” - vị này nêu thực trạng.
Tuy nhiên, bất cập nhất của quy định chuẩn hiệu trưởng là những quy chuẩn mơ hồ, chung chung; hầu hết đều chỉ yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, trong khi đây là những yếu tố không đong đếm, định lượng được. Quan trọng hơn, những yêu cầu gắn liền với vai trò, trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đạo đức học sinh của hiệu trưởng lại không được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn, quy định chuẩn hiệu trưởng không nói về kỹ năng hoạch định, kỹ năng phân công công việc, kỹ năng tập hợp đội ngũ...
Theo đề xuất của hiệu trưởng một trường THCS, hiệu trưởng chuẩn là người như thế nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải thích rõ. Đó là đào tạo ra học sinh giỏi hàn lâm, sách vở hay những em vừa có kiến thức vừa có thực tiễn? Hiệu trưởng chuẩn nên khuyến khích giáo viên đi theo những bài giảng khuôn mẫu cho an toàn, đạt nhiều thành tích hay mạnh dạn ủng hộ họ tìm tòi, đổi mới phương pháp giáo dục?...
Quá ít quyền tự chủ
Người hiệu trưởng được ví như thuyền trưởng trên một con tàu nhưng hiện nay, họ có quá ít quyền tự chủ. Điển hình là việc tuyển dụng giáo viên.
Ở các nước khác, hiệu trưởng có quyền tuyển dụng trực tiếp giáo viên giỏi hoặc cho nghỉ việc những người không đạt yêu cầu. Ở ta, hiệu trưởng lẽ ra cần có quyền tăng lương hay khen thưởng giáo viên nhằm khuyến khích những nhân tố giỏi nhưng việc tuyển dụng hiện vẫn theo quy trình, lương giáo viên vẫn tính theo hệ số, thâm niên… Những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của một trường như thế thì hiệu trưởng lại không được quyền tự chủ.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP HCM, hiện mọi nguồn thu của trường đều phải giao cho… phòng tài chính quản lý. Vì thế mới có chuyện nguồn thu từ trường, tự mình làm ra nhưng muốn chi cái gì lại phải đi xin. Vị này lý giải hiện nay, hiệu trưởng phải đóng nhiều vai trò nên thời gian dành cho quản lý không nhiều.
“Chẳng hạn, hội phụ nữ phường, hội chữ thập đỏ ở phường, quận... cũng có tên hiệu trưởng. Mỗi khi hội, đoàn họp hành là hiệu trưởng phải tham gia, mất bao nhiêu thời gian thì còn đâu dành cho nhiệm vụ quản lý nơi đơn vị?” - hiệu trưởng nêu trên băn khoăn.
Bổ nhiệm không theo chuẩn
Hiệu trưởng một trường THPT ngoài công lập cho rằng quy trình chọn hiệu trưởng đang có vấn đề. Ở các nước - mà gần chúng ta nhất là Singapore - ứng viên nào muốn làm hiệu trưởng thì phải đạt các yêu cầu nghiêm ngặt về khoa học quản lý. Hiệu trưởng không nhất thiết phải giỏi chuyên môn nhưng năng lực quản lý phải thật vững.
Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, việc bổ nhiệm hiệu trưởng không theo hướng chọn người tài, người giỏi mà theo quy trình bổ nhiệm. Thông thường, khi hiệu trưởng này về hưu thì hiệu phó kế nhiệm hoặc một tổ trưởng chuyên môn lên thay. Việc bổ nhiệm này theo hướng chọn người làm chuyên môn chứ không phải người có năng lực quản lý. “Vấn đề mâu thuẫn ở đây là chúng ta yêu cầu chuẩn hiệu trưởng nhưng khi chọn không căn cứ theo chuẩn mà lại theo quy hoạch” - vị này phân tích.
Bình luận (0)