Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) của Vương quốc Anh là nhiều nhất với 101 chương trình, tiếp sau là Mỹ 59, Pháp 53, Úc 37 và Hàn Quốc 27.
62,71% đối tác nước ngoài không được xếp hạng
Các nước có nền GDĐH phát triển và các cơ sở uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand có 16 chương trình, Đức có 10, Bỉ 10.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong số gần 180 cơ sở GDĐH nước ngoài LKĐT với 86 cơ sở GDĐH Việt Nam, không có nhiều cơ sở có xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Có tới 62,71% cơ sở GDĐH đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường ĐH trên thế giới (theo QS World University Ranking và Times Higher Education năm 2021), 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+. Chỉ có 9,04% số cơ sở xếp hạng 501-1.000; 9,04% số cơ sở xếp hạng 301-500; 9,6% số cơ sở xếp hạng trong 100-299 (17 cơ sở). Có 6 cơ sở được xếp hạng trong tốp 100 thế giới tại bảng xếp hạng của QS Ranking năm 2021 là ĐH Australia, Úc (hạng 40), ĐH New South Wales, Úc (hạng 44); ĐH Queensland, Úc (hạng 46), ĐH Quốc gia Đài Loan, Đài Loan - Trung Quốc (hạng 66); ĐH KU Leuven, Vương quốc Bỉ (hạng 84) và ĐH Nottingham, Vương quốc Anh (hạng 99).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2015-2021, kết quả điểm trúng tuyển đầu vào chương trình LKĐT thấp hơn nhiều so với các chương trình đào tạo hệ đại trà trong nước ở trình độ ĐH cùng ngành, cùng cơ sở GDĐH. Nhiều chương trình LKĐT chỉ cần ứng viên dự tuyển tốt nghiệp THPT với điểm học bạ trung bình từ 6,5 trở lên, không yêu cầu kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo đánh giá của một chuyên gia GDĐH, nhiều chương trình LKĐT còn chạy theo lợi nhuận từ việc thu học phí cao hơn nhiều lần so với chương trình đào tạo trong nước. Tăng quy mô đào tạo diễn ra ở các chương trình LKĐT với đối tác không được xếp hạng hoặc xếp hạng ngoài tốp 1.000 trên thế giới. Ngược lại, các chương trình LKĐT với các đối tác có thương hiệu, xếp thứ hạng cao chỉ tuyển sinh và đào tạo với quy mô nhỏ để tập trung cho chất lượng đào tạo và yêu cầu tuyển sinh cao theo đúng yêu cầu khi đi du học tại trụ sở chính của cơ sở GDĐH nước ngoài.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong những trường luôn đẩy mạnh liên kết trong đào tạoẢnh: Kim Chi
Thanh tra, kiểm tra còn hạn chế
ĐHQG TP HCM được đánh giá là một trong những ĐH lựa chọn đối tác LKĐT chất lượng tốt. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hiện có khoảng 10 chương trình LKĐT với các trường ĐH uy tín như ĐH Waikato New Zealand, ĐH Lincoln (Anh)… Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chương trình LKĐT với ĐH Troy (Mỹ) - sinh viên có thể lựa chọn học toàn thời gian tại trường hoặc sang học tại ĐH Troy, bằng tốt nghiệp sẽ do trường đối tác cấp. Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường và đối tác nước ngoài ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác về công nhận tín chỉ với trường đối tác theo 2 cấp độ là công nhận một số tín chỉ và công nhận văn bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên/giảng viên, phát triển và kiểm định chất lượng đào tạo.
Trên thực tế, dù nhiều chương trình LKĐT với nước ngoài của các cơ sở GDĐH có chất lượng tốt nhưng nhiều cơ sở vẫn tồn tại những chương trình có chất lượng đào tạo kém. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống GDĐH của Việt Nam ít thu được những tác động tích cực từ các chương trình LKĐT với nước ngoài. Cụ thể là không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu khoa học) và năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. Bộ GD-ĐT cũng nhận định thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình LKĐT với nước ngoài theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cụ thể tại Nghị quyết số 29 ngày 4-11-2013 về khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, mở rộng LKĐT với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong GDĐH và giáo dục nghề nghiệp, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo.
Phân tích thực trạng LKĐT, một chuyên gia cho hay hiện các chính sách về LKĐT với nước ngoài ở Luật số 34 và Nghị định số 86 đang tập trung vào điều kiện để thành lập một chương trình LKĐT chứ chưa đặt ra các điều kiện để nâng cao chất lượng. Trong khi số lượng các chương trình LKĐT với nước ngoài tăng mạnh, đội ngũ nhân sự và chuyên môn tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế.
Tính đến ngày 30-6, website của Bộ GD-ĐT công bố danh sách 778/8.000 chương trình đào tạo các trình độ và hình thức đào tạo chương trình được kiểm định chất lượng theo chuẩn trong nước và quốc tế nhưng chưa có chương trình LKĐT với nước ngoài nào trong danh sách. Đây là thách thức cho việc đẩy mạnh kiểm định chất lượng cho các chương trình LKĐT với nước ngoài. Trong khi Luật GDĐH hiện hành yêu cầu ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp chương trình LKĐT với nước ngoài phải được kiểm định chất lượng và phải kiểm định định kỳ.
Cần đánh giá chất lượng thực hiện các chương trình
Để nâng cao chất lượng các chương trình LKĐT, tại hội thảo khoa học quốc gia "Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế trong GD-ĐT", các chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá tổng thể về chất lượng thực hiện các chương trình LKĐT đang tổ chức thực hiện tại Việt Nam thông qua khảo sát cụ thể các chương trình LKĐT.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT:
Phụ huynh, học sinh thận trọng khi chọn đăng ký học
Cơ quan quản lý cần có các quy định và điều kiện để cơ sở GDĐH Việt Nam phải lựa chọn cơ sở GDĐH đối tác ở nước ngoài có uy tín, xếp thứ hạng cao trong khu vực châu Á và trên thế giới... Bên cạnh đó, trước khi quyết định đăng ký học một chương trình LKĐT với nước ngoài, phụ huynh, học sinh cần xác định tấm bằng được cấp sẽ gắn với mình cả cuộc đời, kỹ năng từ chương trình đào tạo sẽ gắn với chương trình LKĐT có chất lượng tốt do đối tác nước ngoài uy tín, có truyền thống giữ chất lượng thông qua chuẩn đầu vào và đầu ra cao. Đặc biệt phải chọn cơ sở nước ngoài cấp bằng chất lượng hơn cơ sở trong nước, nếu trường nước ngoài không hơn thì không nên "sính ngoại" mà hãy chọn học chương trình trong nước với chi phí thấp hơn.
GS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân:
Chọn liên kết các trường danh tiếng
Tiêu chí để trường chọn đối tác LKĐT phải là các chương trình đào tạo được thực hiện bởi các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, chương trình đã được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế, bảo đảm các tiêu chuẩn của Nghị định 86; các chương trình có tính mới mà Việt Nam chưa có, có liên ngành, xuyên ngành hoặc tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế hay những chương trình có khả năng trao đổi sinh viên, giảng viên để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Đặc biệt các ngành mới ở Việt Nam chưa phát triển như kinh doanh số, kinh tế học tài chính...
TS Phạm Hiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia:
Nên chọn chương trình đã được kiểm định
Điều quan trọng của một chương trình liên kết không phải là chuyện xếp hạng mà là việc các ĐH đối tác có được kiểm định hoặc công nhận chất lượng bởi cơ quan chức năng ở nước sở tại hay không? Bảng xếp hạng mà Bộ GD-ĐT đề cập là bảng xếp hạng toàn cầu nhưng các ĐH này vẫn có thể nằm trong các xếp hạng khu vực hoặc quốc gia. Tất nhiên, trong cơ chế tự chủ, bộ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đâu đó, có thể vẫn có các trường tổ chức chương trình liên kết với các trường quốc tế không đạt những tiêu chuẩn tối thiểu. Nhìn chung, GDĐH Việt Nam vẫn nằm ở vùng trũng, việc liên kết hợp tác với các ĐH quốc tế là điều cần làm và phải làm. Thực tế, phần lớn các ĐH quốc tế đang liên kết với chúng ta vẫn ở một đẳng cấp rất khác biệt so với phần lớn các ĐH ở Việt Nam. Còn các ĐH hàng tốp thì nếu có liên kết, họ cũng ít chọn Việt Nam.
Bình luận (0)