Chiều 9-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến giám đốc các sở GD-ĐT, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu Hà Nội.
Phụ thuộc vào đội ngũ nhà giáo
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ diễn giải: Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau THCS theo các hướng: Học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động...
Nhiều địa phương cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình phổ thông mới. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố (TP HCM) đọc sách trong thư viện trường.Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới đã sẵn sàng triển khai. Hai vấn đề then chốt để tạo nên thành công của chương trình là đội ngũ giáo viên (GV) và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đổi mới dạy và học. "Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế, thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo, những người sẽ thực hiện chương trình" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sẽ được đẩy mạnh thông qua hình thức tập huấn trực tuyến để bảo đảm GV được tập huấn kịp thời, đầy đủ. Hai nhiệm vụ sẽ được ngành giáo dục chú trọng trong thời gian tới là hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng để giải quyết yêu cầu của đội ngũ nhà giáo; chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình.
Rà soát lại giáo viên
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến tháng 10-2018, cả nước có 1.161.143 GV mầm non, phổ thông. Tỉ lệ GV/lớp toàn quốc như sau: Nhóm trẻ: 1,77 GV/nhóm trẻ (thấp hơn so với quy định là 0,73 GV/nhóm trẻ), mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,52 GV/lớp); tiểu học: 1,43 GV/lớp (so với định mức quy định, GV tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (so với định mức quy định, GV THCS về cơ bản đủ song vẫn thừa, thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (so với định mức quy định GV THPT về cơ bản đủ).
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho rằng so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 GV THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 GV THCS ở những môn khác.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý, trong đó có chương trình đào tạo GV dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và các môn học tích hợp.
"Các sở/phòng GD-ĐT phải phối hợp với các cơ sở đào tạo để đề xuất nhu cầu đào tạo GV dạy các môn học mới. Cơ sở đào tạo GV nghệ thuật thực hiện đào tạo GV âm nhạc, mỹ thuật để dạy môn học giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT; đào tạo GV chuyên ngành tiếng Anh, tin học ở tiểu học; đào tạo GV theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, học sinh và thay thế số GV nghỉ hưu (khoảng 2%/năm)" - ông Minh nêu.
Bảo đảm học 2 buổi/ngày
Liên quan đến cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em - Bộ GD-ĐT, cho biết: Cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng. Phòng học kiên cố ở cấp mầm non chiếm 64,9%, tiểu học 72,2%, THCS 83,4%; THPT 93,9%. Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở bậc mầm non là 0,96, tiểu học 0,89, THCS 0,84, THPT 0,85. Tỉ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp bậc mầm non 0,63; tiểu học 0,63; THCS 0,71; THPT 0,81.
Đối với phòng học bộ môn, cấp THCS có 47.383 phòng/10.582 trường, tỉ lệ 4,5 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33.135 phòng, đạt tỉ lệ 69,9%); cấp THPT có 13.019 phòng/2.463 trường, tỉ lệ 5,3 phòng/trường, trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỉ lệ 76,6%.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày. Cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Trước băn khoăn về thiếu hụt cơ sở vật chất, đặc biệt ở các thành phố lớn khi vẫn có lớp sĩ số lên đến 60 học sinh, ông Phạm Hùng Anh khẳng định không quá lo lắng về vấn đề này. Những địa phương có điều kiện đã rất chủ động trong việc đầu tư cơ sở vật chất.
Bình luận (0)