Theo dự kiến, chương trình khung các môn học sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành cuối tháng này. Riêng môn tiếng Anh, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại nếu không điều chỉnh kịp thời, dễ dẫn đến thất bại tiếp theo như đã từng xảy ra với Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020) - một đề án ngốn 9.300 tỉ đồng nhưng đã không về đích.
Gần như bê nguyên xi đề án cũ
Ngay khi công bố dự thảo chương trình, GS Nguyễn Lộc, Tổng Chủ biên môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng môn ngoại ngữ sẽ kế thừa rất nhiều các điểm được của Đề án Ngoại ngữ 2020. Theo ông Lộc, các điểm được của đề án là về số tiết học theo từng bậc học, 6 tiêu chuẩn đánh giá của châu Âu, kế thừa sách giáo khoa… Chương trình mới vẫn giữ số tiết/tuần theo quy định của đề án cũ. Cụ thể ở cấp tiểu học, môn tiếng Anh sẽ có 140 tiết (bình quân 4 tiết/tuần), với cấp THCS và THPT sẽ học 105 tiết (3 tiết/tuần).
Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Những yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, cách tiếp cận, mục tiêu của môn học là đúng hướng nhưng giải pháp đưa ra, cách thức thực hiện vẫn xa rời, thiếu thực tế. Nếu không nói là bê gần như nguyên xi Đề án Ngoại ngữ 2020.
Nhiều trường tại TP HCM dạy tiếng Anh tăng cường (8 tiết/tuần) chứ không học theo tiếng Anh Đề án Ngoại ngữ 2020. Ảnh: TẤN THẠNH
Lo sợ tiếp tục phá sản
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Sài Gòn - cho rằng đặc thù của dạy và học tiếng Anh là tạo môi trường để học sinh thực hành. Số tiết quá ít như chương trình cũ đã tước đi tính đặc thù của bộ môn tiếng Anh. Và sản phẩm của chương trình đào tạo tiếng Anh vẫn sẽ là một thế hệ không giao tiếp được bằng tiếng Anh nếu không đến các trung tâm ngoại ngữ.
Những nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi thực tế tại TP HCM, việc học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ 2020 không được phụ huynh ưa chuộng, thậm chí chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ nếu không được học tiếng Anh tăng cường (8 tiết/tuần). Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7 (TP HCM) thống kê có năm, khi họp phụ huynh toàn trường, không phụ huynh nào đồng ý cho con học tiếng Anh theo đề án, chỉ vì không đủ điều kiện cơ sở vật chất nên buộc phải giảm bớt tiếng Anh tăng cường, tổ chức một số lớp tiếng Anh đề án.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc, cho rằng có thể nói Đề án Ngoại ngữ 2020 đã không đạt được mục tiêu khi triển khai. Thế nhưng, thay vì tránh đi theo vết xe đổ của đề án thì chương trình mới lại tiếp tục vướng sai lầm cốt lõi đó là đổ đồng mục tiêu ngoại ngữ cho tất cả địa phương, không chú trọng đội ngũ giáo viên và phương thức kiểm tra đánh giá.
Theo ông Thảo, lý tưởng của ban soạn thảo là đúng đắn khi chú trọng đến khả năng giao tiếp trong tiếng Anh. Tuy nhiên, lý tưởng phải căn cứ trên thực tế. "Việc giao tiếp chỉ khả thi khi một lớp học với sĩ số từ 30 học sinh trở xuống nhưng thực tế lớp học hiện nay toàn trên 40 em. Kiểm tra đánh giá vẫn nặng về đọc hiểu thì không thể kích thích giao tiếp; rõ ràng giáo viên sẽ dạy theo hướng thi gì thì học nấy" - ông Thảo nói.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 4 (TP HCM) cho rằng thay vì đặt mục tiêu xa vời mà không thực hiện được như đã từng xảy ra với Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ GD-ĐT nên đặt mục tiêu ở mức trung bình, còn học sinh có khả năng học cao hơn thì ra ngoài học, miễn các em học xong có chứng chỉ quốc tế uy tín công nhận và nộp về trường.
"Như vậy, không những đỡ tốn ngân sách mà việc học còn hiệu quả. Vì thực tế lâu nay, dù học tại trường thế nào, các em vẫn phải học thêm tiếng Anh ngoài trung tâm. Nếu không thay đổi, việc học tiếng Anh theo chương trình mới rất dễ bị phá sản như tiếng Anh theo đề án" - vị này nói.
Số lớp theo Đề án Ngoại ngữ 2020 ít dần
Chuyên viên tiếng Anh một phòng GD-ĐT ở TP HCM cho biết tại mỗi trường, số lớp học tiếng Anh tăng cường bao giờ cũng nhiều hơn số lớp học tiếng Anh theo đề án. Số lớp theo đề án ít dần theo các năm. Nhiều người đăng ký cho con học tiếng Anh tăng cường bởi họ mong muốn có môi trường học tốt hơn, các em được tiếp xúc tiếng Anh thường xuyên hơn với 8 tiết/tuần, dù chương này có thu phí, còn tiếng Anh theo đề án chỉ 4 tiết/tuần.
XEM THÊM: ĐỀ ÁN NGOẠI NGỮ 9.300 TỈ KHÔNG VỀ ĐÍCH!
Bình luận (0)