Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (còn gọi là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) hồi tháng 10-2016, đã thừa nhận mục tiêu của đề án thiếu thực tế. Người đứng đầu ngành giáo dục sau đó cũng khẳng định trong phiên chất vấn của Quốc hội rằng đến năm 2020 chưa thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong đề án này.
5.400 tỉ đồng rơi vào hư không
Tháng 9-2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Hầu hết học sinh TP HCM chọn học tiếng Anh tăng cường thay vì tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 Ảnh: Tấn Thạnh
Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, nước ta đạt bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Nguồn kinh phí đề án giai đoạn 2008-2020 là 9.378 tỉ̉ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỉ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 4.378 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.300 tỉ đồng.
Đề án nêu ra 7 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông theo các bậc trình độ tốt nghiệp tiểu học đạt bậc 1, THCS bậc 2, THPT bậc 3. Đối với người tốt nghiệp ĐH, nhiệm vụ đặt ra là 100% sinh viên chuyên ngữ đạt chuẩn bậc 5, 70% sinh viên không chuyên ngữ đạt bậc 3.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường, tiêu hết khoảng 5.400 tỉ đồng nhưng hiệu quả thì hoàn toàn không như kỳ vọng. Nhìn lại đề án ngay ở giai đoạn đầu khi triển khai, nhiều nhà giáo, chuyên gia đã cảnh báo về tính thiếu khả thi của nó và cho đến nay, kết cuộc của đề án được cho là thất bại.
Mục tiêu hoang tưởng, đầu tư dàn trải
Thất bại của đề án là điều được báo trước bởi cách triển khai không giống ai, từ mục tiêu, phương pháp đến cách thực hiện. Đó là việc đầu tư tràn lan, đánh đồng tất cả địa phương như nhau, chiến lược bồi dưỡng giáo viên (GV) không hiệu quả, mục tiêu xa vời và hoang tưởng.
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, nhìn nhận đề án vướng phải sai lầm là đổ đồng tất cả địa phương như nhau, mọi đối tượng giống nhau. TP HCM không thể có mục tiêu về ngoại ngữ giống như Lào Cai, Bắc Kạn; học sinh (HS) vùng dân tộc không thể có cùng mục tiêu tiếng Anh như HS ở các đô thị lớn. Thay vì khoanh vùng thí điểm để có những đầu tư hiệu quả thì đề án lại thực hiện tràn lan, dàn trải.
Thực tế tại TP HCM, việc đưa Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 vào giảng dạy tại các trường đã không được phụ huynh và HS đón nhận dù là chương trình miễn phí. Lý do là chương trình cũ, không có GV bản ngữ, số tiết ít, hình thức đơn điệu. Rốt cuộc, HS chỉ chuộng chương trình tiếng Anh tăng cường chứ không chọn tiếng Anh đề án.
Sau hơn 8 năm thực hiện đề án, cả nước chỉ có khoảng 1,6 triệu HS lớp 3, 4, 5 trên tổng số gần 7,8 triệu em được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% HS lớp 3 học chương trình tiếng Anh 10 năm và tiến tới phổ cập tiếng Anh tại các trường phổ thông vào năm 2025. Số GV đạt chuẩn cũng đạt tỉ lệ rất thấp, năm 2016 chỉ 33% GV cấp THCS và 26% GV THPT đạt chuẩn. Tại một số địa phương vùng khó khăn, tỉ lệ này thấp hơn nhiều.
Không đạt mục tiêu của đề án là điều được báo trước nhưng dư luận xã hội còn bức xúc về việc dù đã tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng trong nhiều năm, chất lượng dạy học môn ngoại ngữ ở nhà trường cho kết quả thấp hơn nhiều so với các môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, năm 2015, môn ngoại ngữ dùng cho xét tuyển ĐH, CĐ có hơn 306.298 thí sinh đạt dưới 5 điểm (chiếm 81,2%). Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cũng vậy, môn ngoại ngữ tiếp tục "đội sổ" khi trung bình điểm thi của thí sinh trên cả nước chỉ đạt 3,43; trong đó, 399.429 thí sinh có bài thi đạt dưới 5 điểm (chiếm 84%).
Chưa thẳng thắn nhìn vào thực trạng!
Ngày 25-10-2016, Bộ GD-ĐT công bố những thông tin liên quan đến Đề án Ngoại ngữ 2020, trong đó thừa nhận một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.
Việc triển khai đề án được tổ chức với nhiều hoạt động và yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Trong khi đó, có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng miền cũng như giữa các cơ sở đào tạo. Quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu...
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, mọi đề án đều dễ dẫn tới thất bại nếu không có cách nhìn nhận, đánh giá thẳng vào thực trạng. Với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng vậy, thay vì từng giai đoạn ngắn cần một tổng kết, đánh giá để có biện pháp triển khai đại trà hay dừng hẳn thì Bộ GD-ĐT đã không chú trọng đến việc này.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng không có nền giáo dục nào phát triển cao hơn trình độ người thầy. Nghĩa là người thầy đóng vai trò chủ đạo. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 không về đích có lý do là hàng loạt GV không đủ chuẩn, phải bồi dưỡng lại từ đầu. Thế nhưng, chiến lược bồi dưỡng lại có vấn đề. "Thay vì tập trung bồi dưỡng GV một khu vực cho thật tốt, sau đó theo chiến dịch "vết dầu loang" thì lại bồi dưỡng đại trà, rõ ràng như vậy là không hiệu quả" - ông Cao Huy Thảo nhìn nhận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Kỳ trước:
Kỳ tới: Dự án 80 triệu đô có thành hiện thực?
Tiếp tục triển khai các giải pháp chung chung
Về phương hướng và nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo GV, giảng viên ngoại ngữ; tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV, giảng viên ngoại ngữ.
Ngoài ra, rà soát, xây dựng, ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc, làm cơ sở để phát triển sách giáo khoa, giáo trình; thực hiện các hoạt động kiểm tra đánh giá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn quốc tế; xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để bảo đảm sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước.
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ; tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ, các phương tiện phát thanh, truyền hình để hỗ trợ tất cả đối tượng người học có thể tiếp cận bình đẳng với ngoại ngữ, có thể học mọi nơi mọi lúc và đạt được năng lực sử dụng ngoại ngữ.
Xây dựng môi trường thuận lợi như các phong trào sinh viên tình nguyện dạy ngoại ngữ, câu lạc bộ ngoại ngữ, cộng đồng học tập ngoại ngữ... Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ như khuyến khích các cơ sở giáo dục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế với các tổ chức ở các quốc gia bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam...
Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây tiếp tục là các nhiệm vụ, giải pháp quá chung chung, trong khi thời hạn chỉ còn có 3 năm thì xem ra, đó là những giải pháp nằm trên giấy. Thực tế, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT mới công bố,
Bình luận (0)