Vậy mà tình trạng lạm thu vẫn diễn ra. Căn bệnh này đã thành mãn tính, đến nỗi trong thư gửi các thầy cô giáo, học sinh nhân dịp khai giảng năm học 2012-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng phải nhắc đến như là một trong các vấn đề bức xúc phải được ngành giáo dục giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, dù ngân sách Nhà nước chi khá cao so với GDP nhưng gánh nặng chi phí giáo dục cho từng gia đình cứ tăng lên. Theo số liệu của Sở GD-ĐT TPHCM, mức đóng góp của phụ huynh học sinh gấp 3 lần so với học phí. Tất nhiên trong đó có những khoản lạm thu, kể cả việc thu sai tiền cơ sở vật chất trong những năm qua mà vừa rồi lãnh đạo ngành giáo dục công nhận rằng khoản thu đó không có trong quy định của Bộ Tài chính!
Vì sao xảy ra nạn lạm thu? Có phải vì ngân sách cho giáo dục còn ít? Hay vì thành tích hoặc những nguyên nhân khác? Nhiều phụ huynh đúc kết “kinh nghiệm” rất chính xác rằng “trường điểm”, “trường chất lượng cao” càng xảy ra lạm thu. Mỗi mùa khai giảng và sau đó những cuộc họp hội cha mẹ học sinh là nảy sinh các khoản thu, có những khoản thu hết sức vô lý, gây bức xúc dư luận. Các trường học cũng hiểu được điều này nên một số trường tổ chức họp phụ huynh “bất thường” - tức chọn thời điểm “bất ngờ” để né tránh dư luận!
Hai ngày nữa đến ngày khai giảng năm học mới và những cuộc họp hội cha mẹ học sinh cũng sẽ diễn ra. Nhiều phụ huynh có “kinh nghiệm” đều biết rằng khi đi họp phụ huynh nhớ mang theo tiền để đóng cho “ông lạm thu”!
Năm học này, ngành giáo dục quyết tâm chống lạm thu, nhưng khi lạm thu đã trở thành căn bệnh trầm kha, liệu có chống nổi?
Bình luận (0)