Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng "Trường học hạnh phúc". Theo ông Phúc, các tiêu chí đánh giá "Trường học hạnh phúc" bắt đầu được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm từ 2016. Tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình "Trường học hạnh phúc".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, cho biết Trường học hạnh phúc không phải là học sinh học ít đi mà học với niềm đam mê
Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định "Trường học hạnh phúc" không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất. Ngoài ra, việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
"Việc thực hiện cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện thực tế, không nên hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, không nóng vội, tránh tạo áp lực" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Lãnh đạo các phòng GD-ĐT ký kết kế hoạch triên khai "Trường học hạnh phúc"
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết quá trình xây dựng và triển khai bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. "Khi triển khai Bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa họ vào như một trong những chủ thể quan trọng, có ảnh hưởng quá trình xây dựng trường học hạnh phúc" - ông Hiếu nói.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích. Việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học. Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ: cần cải thiện, khá, tốt. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt thì cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.
Cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng học tập... Đặc biệt, phải tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí, chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn gồm: 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường.
Trường học hạnh phúc hướng đến tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử để qua đó phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP HCM tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.
Bình luận (0)